Hướng dẫn phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Việt Bắc là địa bàn hoạt động của cơ quan đầu não, là cái nôi của Cách Mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc cũng là nơi ghi dấu lại biết bao thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.

Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu giúp ta thấy được khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến và con người trong kháng chiến. Bài thơ còn là niềm tự hào, nhớ thương son sắc với quê hương, đất nước, con người.

I. Tìm hiểu về tác giả Tố Hữu và hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, ông sinh ngày 4/10/1920, mất ngày 09/12/2002, là đứa con của mảnh đất Thừa Thiên Huế. Sinh thời, ông vừa là thi sĩ, vừa là chiến sĩ cách mạng và giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta.

to huu

Tố Hữu chọn con đường đi theo Cách Mạng từ thuở thanh niên, trải qua nhiều năm tháng tù đày của thực dân rồi trốn trại rồi tham gia hoạt động cách mạng. Thơ của Tố Hữu là tiêu biểu cho nghệ thuật cách mạng, phản ánh được tinh thần, đạo đức, lý tưởng mà một người dân Việt Nam nên có.

Chặng đường thơ ca của Tố Hữu gắn liền với chặng đường lịch sử của cách mạng và dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt.

  • Tập thơ Từ ấy sáng tác những năm 1937 - 1946
  • Tập thơ Việt Bắc sáng tác những năm 1947 - 1954
  • Tập thơ Gió lộng sáng tác những năm 1955 - 1961
  • Tập thơ Ra trận sáng tác những năm 1962 - 1971
  • Tập thơ Máu và hoa sáng tác những năm 1972 - 1977
  • Tập thơ Một tiếng đờn sáng tác những năm 1978 - 1992
  • Tập thơ Ta với ta sáng tác những năm 1992 - 2000,...

II. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc

Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10 năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Thời điểm này, cán bộ từ chiến khu Việt Bắc phải trở về miền xuôi để tiếp quản Thủ đô.

bai tho viet bac

Việt Bắc chính là nỗi lòng của các chiến sĩ Cách Mạng khi phải chia xa núi rừng Tây Bắc thân thuộc. Một Việt Bắc với cảnh thiên nhiên có thơ mộng, có hùng vĩ, một Việt Bắc với những con người ấm áp nghĩa tình đều được tác giả tái hiện chân thực qua từng ý thơ.

III. Hướng dẫn phân tích hoàn chỉnh bài thơ Việt Bắc

Bố cục bài thơ Việt Bắc được chia thành 3 phần: 8 câu thơ đầu, 16 câu thơ tiếp theo, 66 câu thơ cuối.

8 câu thơ đầu: lời chia xa của cán bộ với nhân dân, của nhân dân với cán bộ

“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.

Cả 4 câu thơ đều là câu hỏi tu từ không cần trả lời. Xưng hô “mình”, “ta” thân thiết thể hiện nỗi luyến tiếc chia ly với 15 năm mặn nồng, với núi sông, cội nguồn cách mạng nơi Việt Bắc.

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

“Tiếng ai” không phải là một nhân vật cố định, mà là tiếng lòng của nhân dân Việt Bắc, một cách bày tỏ tình cảm vô cùng ý nhị, tinh tế. Những từ láy “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” thể hiện được sự lưu luyến không nỡ rời xa.

Hình ảnh “áo chàm” là ẩn dụ cho nhân dân Việt Bắc, cũng có thể hiểu là món quà chia ly mà nhân dân gửi cho cán bộ. Giờ phút ly biệt, bao tình cảm chan chứa trong lòng không nói thành lời, chỉ biết siết chặt những cái “cầm tay” trao nhau tình cảm, sức mạnh và cả những lời nhắn nhủ.

16 câu thơ tiếp theo: những kỷ niệm của cán bộ với chiến khu và nhân dân

Nhà thơ đã kể ra hàng loạt những kỷ niệm gắn bó của cán bộ với nhân dân và núi rừng Việt Bắc. Mỗi lần nhắc lại là một lần khắc ghi vào tim.

Kỷ niệm về những lần mây mù, “mưa nguồn suối lũ”, cán bộ cùng nhân dân hợp sức vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt. Mây mù còn là hình ảnh ẩn dụ, thể hiện những ngày tháng mới đầu còn mờ mịt, gian khổ. Nhờ có sự ủng hộ của nhân dân mà cán bộ tiếp bước vững vàng.

viet bac thoi khang chien

Kỷ niệm về những bữa ăn giản dị mà đậm đà tình người. Nỗi nhớ nhung càng tha thiết hơn khi “mình” về rồi thì “Trám bùi để rụng, măng mai để già”. Người dân Việt Bắc luôn dành những gì ngon nhất, tốt nhất cho cán bộ với hy vọng giết sạch “mối thù nặng vai”.

Kỷ niệm về “những nhà hắt hiu lau xám” đầy ắp tình cảm quân - dân. “mình” đi rồi để lại “ta” một mình cô đơn “hắt hiu”.

Kỷ niệm về những phong trào kháng chiến cây đa Tân Trào, khởi nghĩa Hồng Thái. Việt Bắc là chiến khu nên không thể thiếu những cuộc chiến thời Việt Minh, thời kháng Nhật. Đoạn thơ dạt dào nét trữ tình nhưng cũng không thể quên được mục đích chính của đoạn kỷ niệm ở Việt Bắc chính là hoạt động cách mạng.

phong trao khang chien

Tình cảm nhân dân với cán bộ ấm áp, nghĩa tình thì tình cảm của cán bộ với nhân dân vẫn là “Lòng ta, sau trước,mặn mà đinh ninh”, “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Cán bộ với nhân dân là thủy chung, là yêu thương và biết ơn như cội nguồn của mình.

66 câu thơ còn lại: nỗi nhớ chi tiết từng cảnh vật con người Việt Bắc

Nhớ cảnh vật

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy”

Tình cảm quân - dân được nhà thơ trữ tình hóa thành tình cảm mặn nồng, ngọt ngào như tình yêu, quyến luyến bồi hồi không nỡ chia xa.

Nỗi nhớ về Việt Bắc ngự trị cả không gian và thời gian trong lòng người cán bộ. Đó là buổi tối có “trăng”, buổi chiều có “nắng”, buổi sáng “bản khói cùng sương”. Đó là nỗi nhớ cả “đầu núi”, “lưng nương”, “rừng nứa, bờ tre” những cảnh vật đâu đâu cũng thấy ở Việt Bắc. Nhớ đến những cái tên quá quen thuộc “ngòi Thia sông Đáy, suối Lê”.
 
Cán bộ chia tay với Việt Bắc để về miền xuôi chính là phải chia tay với quê hương của mình. Hình ảnh “bếp lửa” vô cùng ấm áp, luôn gây nên sự bồi hồi xúc động. Những đứa con xa quê nhà làm sao nỡ, tình cảm phải lưu luyến, không muốn rời xa nhường nào?

Nhớ người

“Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”

Cán bộ xa quê làm sao quên được những tháng ngày đầy ắp nghĩa tình của bà con nơi đây. Việt Bắc tuy nghèo cơm, nghèo gạo, có vất vả khắc nghiệt nhưng chưa bao giờ nghèo tình người.

can bo viet bac

Cán bộ cùng nhân dân chia sẻ những “đắng cay ngọt bùi”, cùng chia nhau bát cơm, củ sắn lùi,... Những hình ảnh này cho ta cảm giác của những người một nhà đối xử với nhau, thân thiết, gắn bó keo sơn.

Hình ảnh cảm động nhất vẫn là nói về người mẹ kháng chiến. Mẹ tranh thủ lao động tần tảo, chắt chiu từng phần lương thực nhỏ bé để phục vụ cho cách mạng. Mẹ “địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”. Đây là một cảnh tượng vô cùng xúc động, cả em bé nhỏ và cà mẹ đều cố gắng làm hết sức mình vì kháng chiến.

Nhớ âm thanh

“Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Dưới mưa bom bão đạn của chiến tranh, những âm thanh của cuộc sống êm đềm vẫn diễn ra. Đó là tiếng đánh vần trong lớp học, âm thanh của những buổi liên hoan náo nhiệt, âm thanh của những bài ca, tiếng mõ, tiếng chày nện cối,...

Âm thanh của cuộc sống bình đạm mỗi ngày cũng chính là âm thanh của niềm tin và hy vọng vào một ngày cách mạng thành công, đất nước được hòa bình.

Nhớ bức tranh tứ bình

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Thông qua nỗi nhớ với chiến khu Việt Bắc, tác giả đã vẽ lại một bức tranh thiên nhiên sinh động của bốn mùa rất riêng. Bức tranh ngỡ tĩnh mà động, ngỡ không màu mà rực rỡ, ngỡ vô tình mà “ân tình thủy chung”.

Mùa đông, núi rừng rực rỡ màu hoa chuối đỏ tươi, sưởi ấm cả đất trời. Con người giữa bao la núi rừng, nắng ánh trên những con dao người làm rấy càng thêm sự nổi bật, vẻ kỳ vĩ và hùng tráng.

Mùa xuân là mùa mơ nở trắng rừng, màu sắc dịu mát tâm hồn. Thiên nhiên vừa khéo lại hòa hợp với hình ảnh con người khéo léo, chăm chút cho từng sợi giang.

Mùa hè là cả một màu vàng đột ngột của rừng phách nở hoa. Mó tưng bừng và tràn trề sức sống, rộn ràng và có hồn qua từng tiếng ve kêu. Con người lao động cần mẫn “hái măng một mình” nhưng lại không có cảm giác cô độc. Đó là do sức sống của thiên nhiên nhuốm lên mọi thứ, khiến con người cũng vui vẻ theo.

Mùa thu là một bức tranh thủy mặc, là đêm đen có ánh trăng sáng tỏ và âm thanh làm lòng người gợn sóng. Ánh trăng sáng khắp núi rừng là ánh trăng hòa bình, đại diện cho niềm vui và tự do, niềm tin vào một ngày mai thắng lợi. 

Con người Việt Bắc chân chất, mộc mạc, chăm chỉ và cần cù lao động suốt bốn mùa, nổi bật và hòa quyện giữa thiên nhiên sinh động và đẹp đẽ. Những hình ảnh này sẽ khiến cho người ta nhớ mãi không quên.

Nhớ những ngày chiến đấu chống giặc

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.”

Những ngày thế giặc còn mạnh, quân ta còn yếu, cả chiến khu Việt Bắc, thiên nhiên và con người hòa làm một làm nên sức mạnh nội lực giúp cán bộ vượt qua khó khăn.

Nhờ đó, quân dân ta đã bước đầu giành được những thắng lợi nhỏ ở “Phủ Thông, đèo Giàng”, “sông Lô”, “phố Ràng”, “Cao - Lạng”, “Nhị Hà”,...

Càng chiến đấu, chúng ta càng mạnh lên, những đoàn quân ra tiền tuyến, pháo binh ra mặt trận. Từng khoảnh khắc hành quân, đánh trận hoành tráng đều mang đậm dấu ấn núi rừng Việt Bắc. 

“Những đường Việt Bắc của Ta” là con đường hành quân, con đường cách mạng đầy máu lửa và chiến công hiển hách.
Khí thế hào hùng của đoàn giải phóng quân “đi điệp điệp trùng trùng”, “đêm đêm rầm rập như là đất rung”.

hanh quan viet bac

Những đoàn dân công lấp đường, mở lối là không thể thiếu trong kháng chiến. Vẻ đẹp của họ được nhà thơ miêu tả vô cùng dữ dội và mạnh mẽ “Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”

Nghệ thuật tương phản giữa hai câu thơ là ẩn dụ cho ý nghĩa giữa muôn ngàn khó khăn thiếu thốn, quân dân ta vẫn đoàn kết quyết chiến quyết thắng kẻ thù.

“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”

Nghệ thuật liệt kê hàng loạt các địa danh trên khắp miền tổ quốc thể hiện được thắng lợi giòn giã, cái sau càng vui càng vang dội hơn cái trước. Là cái nôi, là căn cứ kháng chiến, niềm vui của quân dân Việt Bắc càng nhân lên gấp bội.

“Ai về ai có nhớ không?

Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu
Ở đâu u ám quân thù
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.”

Những câu thơ cuối là cuộc họp bàn của cán bộ sau chiến thắng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nước nhà. Việt Bác mãi là nơi mà mọi chiến sĩ cách mạng có thể tin tưởng và hướng về.

Bài thơ Việt Bắc là một bản tình khúc Cách Mạng, một khúc hát tâm tình về quê hương, xứ sở. Thông qua nỗi nhớ và nỗi niềm khi chia ly với chiến khu Việt Bắc, tác giả đã kể lại cả một quá trình kháng chiến gian khổ, sự gắn bó giữa quân và dân và vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở núi rừng Việt Bắc.

Bài viết nên đọc