Tất tần tật phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn được sáng tác năm 1952, khi Tô Hoài đang theo bộ đội vào giải phóng vùng Tây Bắc. Cuộc sống mộc mạc mà đầy nghĩa tĩnh của đồng bào dân tộc vùng cao đã khơi nguồn cảm hứng cho ông. 

Vợ chồng A Phủ nằm trong tập Truyện Tây Bắc cùng với các tác phẩm khác. qua tập truyện, Tô Hoài ca ngợi vẻ đẹp của con người vùng cao đồng thời phản ánh được nỗi khổ của họ dưới ách thống trị của thực dân. 

I. Tóm tắt Vợ chồng A Phủ

Tóm tắt Vợ chồng A Phủ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về cốt truyện, tạo điều kiện thuận lợi để đi sâu vào phân tích từng nhân vật và tình huống truyện.

vo chong a phu

Nội dung của truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ nói về hai nhân vật chính là Mị và A Phủ.

Mị là cô gái dân tộc Mông tài hoa, giỏi giang, thích tự do và yêu đời. Để trả nợ cho gia đình, Mị bị bắt về làm con dâu nhà thống lý Pá Tra. Nói là làm vợ A Sử, làm dâu nhà thống lý nhưng Mị phải sống kiếp nô lệ, bị bắt lao động, bị đánh đập. Mị nhiều lần muốn tự tử nhưng vì thương bố mẹ nên chỉ đành chịu đựng.

A Phủ là thanh niên mồ côi cha mẹ, tháo vát, dũng cảm nhưng vì cái nghèo nên vẫn còn ế chỏng chơ. A Phủ vì đánh lại A Sử nên bị bắt về làm nô lệ. Trong một lần để cọp vồ mất một con trâu mà A Phủ bị trói đứng vào cọc. 

Mị hằng ngày đến đưa cơm cho A Phủ, từ thờ ơ, đến thương hại và cảm thông. Cuối cùng, Mị quyết định cứu A Phủ ra và cả hai bỏ trốn khỏi Hồng Ngài.

vo a phu

Đến Phiềng Sa, hai người trở thành vợ chồng. Tại đây, A Phủ đã gặp cán bộ Đảng và được dẫn dắt bước chân theo cách mạng, trở thành tiểu đội trưởng du kích. A Phủ cùng Mị và đồng đội chiến đấu để bảo vệ người thân và quê hương.

II. Dàn ý phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Phân tích Vợ chồng A Phủ, chúng ta cần chú ý làm rõ 3 nội dung xoay quanh hai nhân vật chính là Mị và A Phủ.

Nội dung 1: Xuất thân của hai nhân vật Mị và A Phủ

Cả Mị và A Phủ đều là người dân tộc Mông. Mị giỏi giang, xinh đẹp, đời sống nội tâm tự do và phong phú. Vì hoàn cảnh gia đình, cô bị cưới về làm dâu gạt nợ cho thống lí Pá Tra. Có thể thấy cô bị áp bức và buộc chặt bởi cường quyền - nhà thống lí và thần quyền - tục bắt vợ.

A Phủ là chàng trai mồ côi cha mẹ nhưng lại có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Anh chàng dũng cảm, gan góc, một mình học hỏi đủ thứ nghề để kiếm sống.

vo chong a phu

Có thể nói, xuất thân của Mị và A Phủ là đại diện cho những người lao động ở vùng Tây Bắc. Tính cách của họ cũng chính là đại diện cho con người chân chất nơi đây.

Nội dung 2: Vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị

Mị là cô gái đẹp và tài năng, Mị đẹp về cả ngoại hình và tâm hồn.

  • Cô trẻ trung, xinh đẹp và có tài thổi sáo.
  • Luôn khao khát về một tình yêu đôi lứa
  • Hiếu thảo và chăm chỉ, sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay bố

Những đau đớn khổ cực ở nhà thống lí Pá Tra biến Mị thành một người hoàn toàn khác. Lấy hết tuổi xuân và sự yêu đời trong tâm hồn Mị.

  • Làm việc không kể ngày đêm “không bằng con trâu con ngựa”
  • Bị A Sử đánh đập dã man, bị trói, bị đạp vào mặt
  • Mị lúc nào cũng “mặt buồn rười rượi”, không quan tâm đến ngoài kia, sống lầm lũi vì Mị đã chai sạn với nỗi đau, “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”

Khi đội hội mùa xuân ở Hồng Ngài trở lại, những khao khát tình yêu mãnh liệt, khao khát tự do trong quá khứ của Mị đã sống lại.

  • Nghe được âm thanh bên ngoài kia, Mị “thấy phơi phới trở lại”. Cảm giác như Mị sống lại một đời, muốn đi chơi để chấm dứt sự tù đày này.
  • Sau khi bị A Sử bắt gặp và trói lại, Mị vẫn còn đắm chìm trong tiếng sáo và những câu hát tình yêu.

Cho dù hiện thực nhốt cô ở lại nơi tối tăm nhưng tâm hồn tươi trẻ và yêu đời của Mị một lần nữa đã sống lại. Đó chính là khao khát và mong muốn mãnh liệt chưa hề tắt, chỉ chờ cơ hội liền bùng lên mạnh mẽ.

Tâm lý muốn thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra để được ra ngoài chơi xuân đã làm nên mồi lửa dẫn dắt đến hành động cởi trói cho A Phủ sau này. Mị giải thoát cho A Phủ vì đồng cảm, vì thương người. Mị chạy theo A Phủ vì sợ chết, nhưng hơn hết là khát vọng tự do cháy bỏng trong lòng cô.

Nội dung 3: Nhân vật A Phủ - số phận đau thương nhưng đầy sức sống

A Phủ là một người thẳng thắn, bộc trực, không chịu cường quyền. Anh đánh cả con quan vì bị xử thua kiện một cách quái gở rồi bị bắt về làm nô lệ cho nhà thống lý Pá Tra.

vo chong a phu

A Phủ lúc nhỏ thì mạnh mẽ ngang bướng, bị bán xuống đồng thấp nhưng lại trốn được và chạy lên núi cao. Lớn lên, A Phủ là chàng trai tháo vát, chăm chỉ làm việc và biết đủ thứ nghề.

Sau khi bị bắt vào nhà thống lý, A Phủ cũng khao khát tự do không kém gì Mị. Sau khi được cởi trói, anh nén đau để vùng dậy và cùng Mị chạy trốn.

Qua nhân vật Mị và A Phủ, chúng ta có thể thấy được những phẩm chất đẹp đẽ và đáng quý của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Đó là một Mị hiếu thảo, chăm chỉ, yêu thích tự do, giàu tình thương nhưng cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ và có sức sống ngoan cường. Đó là một A Phủ tháo vát, hành động chính trực, không chịu áp bức cường quyền.

Đồng thời, ta càng thấy được cuộc sống của học khó khăn và bần cùng như thế nào. Họ phải chịu hai tầng áp bức, một là của lũ cường hào ác bá trong làng, bản, hai là của lũ thực dân Pháp tàn ác, bóc lột. Những người lao động nghèo hèn chỉ có tự mình mạnh mẽ lên, tự mình vực dậy, đi theo Đảng và Cách mạng mới là con đường giải thoát khỏi áp bức.

Truyện ngắn có nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, hình tượng nhân vật có cá tính và tâm lý được miêu tả tinh tế. Ngôn ngữ trong truyện được sử dụng rất linh động, giàu chất thơ, khơi gợi được cảm xúc trong lòng người đọc. Cách kể chuyện trần thuật bằng con chữ nhưng khiến độc giả có thể hình dung được một chất giọng rất trầm lắng.

Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đã khắc họa chân thực vẻ đẹp thiên nhiên, đời sống, phong tục tập quán cũng như tính cách và tâm hồn của đồng bào dân tộc vùng núi Tây Bắc. Qua tác phẩm, Tô Hoài cũng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với những thống khổ mà họ phải chịu đựng. Hơn cả, nhà văn muốn ca ngợi ý chí và khát vọng tự do, sinh tồn mãnh liệt của những con người dân tộc vùng cao.

Bài viết nên đọc