Dàn ý phân tích trích đoạn Người lái đò sông Đà xuất sắc nhất

Người lái đò sông Đà là một phần của tập tùy bút Sông Đà xuất bản năm 1960 của nhà văn Nguyễn Tuân. Tên tựa đề là do người biên soạn sách giáo khoa đặt.

Qua một phần ngắn của trích đoạn Người lái đò sông Đà, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp, kì vĩ, hòa hùng, con người lao động mạnh mẽ, bình dị và lòng yêu quê hương đất nước của tác giả.

I. Sơ lược về tác giả Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là nhà văn chuyên về tùy bút và kí. Phong cách viết văn của ông rất tài hoa, uyên bác, là bậc thầy trong cách sáng tạo và sử dụng một cách điêu luyện sự giàu có của tiếng Việt.

nguyen tuan

Nguyễn Tuân sinh ngày 10/07/1910 tại Hàng Bạc, Hà Nội và mất ngày 28/07/1987. Ông học đến hết cuối bậc Thành chung Nam Định tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay thì bị đuổi vì phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Trước năm 1945, ông nổi tiếng bởi các tác phẩm thể loại tùy bút, bút ký như Vang bóng một thời, Một chuyến đi,...

Từ năm 1945, ông tham gia cách mạng và kháng chiến, là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm chính của ông giai đoạn này là tập tùy bút Sông Đà năm 1960 và tập ký chống Mỹ giai đoạn 1965-1975.

Nguyễn Tuân tự cho rằng mình có chứng “chủ nghĩa xê dịch”, ông thích sống tự do phóng túng, thích đi khắp đất nước để tìm tòi cái mới mẻ, độc đáo. Do đó, các bài viết của ông hầu hết là ca ngợi quê hương đất nước và tinh thần của người dân trong lao động, chiến đấu và sản xuất.

Ngoài viết văn, ông còn am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật khác như: điêu khắc, hội họa, sân khấu,... Ông dùng những hiểu biết và cách nhìn nhận của mình về nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để áp dụng vào nghệ thuật văn chương.

Nguyễn Tuân cũng tham gia đóng phim, ông diễn các vai phụ trong “Cánh đồng ma” năm 1938 và “Chị Dậu” năm 1980.

II. Dàn ý phân tích và tóm tắt Người lái đò sông Đà

Người lái đò sông Đà là thành quả sau chuyến đến vùng núi rừng Tây Bắc xa xôi mà rộng lớn. Chuyến đi đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hứng, thỏa mãn thú vui của Nguyễn Tuân, vừa tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên, vừa tìm chất liệu làm nên những tác phẩm bất hủ.

phan tich nguoi lai do song da

Khi phân tích Người lái đò sông Đà, chúng ta cần làm ra ý nghĩa của lời đề và hai hình tượng trong bài văn: hình tượng sông Đà và người lái đò.

Lời đề từ và ý nghĩa độc đáo

Trong trích đoạn Người lái đò sông Đà có hai lời đề từ làm dẫn dắt, nói lên tiếng lòng của nhà thơ trước dòng sông Đà hùng vĩ.

“Đẹp vậy thay…”: thể hiện cảm xúc ngợi ca mãnh liệt trước vẻ đẹp của dòng sông cũng như sự hiểu biết và gắn kết của nó với người dân nơi đây.
“Chúng thủy…”: con sông Đà cũng như con người, có nét cá tính rất độc đáo.

III. Hình tượng dòng sông Đà - đại diện cho thiên nhiên miền Tây Bắc

Sông Đà là con sông hung bạo nhưng cũng rất trữ tình. Chỉ những ai vượt qua được thử thách hung bạo của dòng sông, mới có thể được hưởng thụ dáng vẻ hiền hòa trữ tình của nó.

1. Sông Đà hung bạo

Sông Đà dữ tợn qua từng vách đá bên bờ, ghềnh đá giữa lòng và tiếng gào thét ầm ầm của con nước và vào vách đá. Một loạt những từ ngữ miêu tả sinh động khiến người đọc dễ dàng hình dung được dáng vẻ hung bạo của con sông:

“đá bờ sông dựng vách thành”, như một cái yết hầu”
“những cái hút nước giống như cái giếng bê tông”, “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc nước”

song da hung bao

Từ xa đến gần, nhà văn đã miêu tả trận địa thác đá vô cùng chân thực. Nhìn từ xa, âm thanh thác nước đã khiến người ta sởn da gà. Nghe âm thanh thôi mà tác giả đã liên tưởng đến âm thanh “oán trách”, “van xin”, “khiêu khích”, “chế nhạo”; “rống lên như một ngàn con trâu”. Đặc biệt hơn, dòng nước dữ dội đến mức “cháy bùng bùng” như lửa.

Đến gần, những thác đá hiện nguyên hình, nhà văn miêu tả cuộc vượt thác như một hồi đánh trận cam go, quyết liệt. Những thác đá như kẻ địch “nhăn nhúm”, “”hất hàm”, “oai phong”, chúng đang “mai phục”, sẵn sàng hành động để “chặn ngang”, “tiêu diệt”. Người và sóng đánh nhau với đủ chiến thuật: “đánh khuýp quật vu hồi”, “đánh giáp lá cà”, “đòn tỉa”.

mo nguoi lai do song da

Tóm lại, sông Đà lòng thì hẹp, đá thì nhiều, sóng lại càng dữ dội. Nó là một con thủy quái, “dòng thác hùm beo” thách thức giới hạn của con người. Cái hung bạo và dữ dội của sông Đà chính là sự hùng vĩ, nguy nga của thiên nhiên Tây Bắc mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm qua. 

2. Sông Đà dịu dàng, nên thơ

Vượt qua dòng thác, xuôi về thượng nguồn, chúng ta sẽ bắt gặp một mặt khác hẳn của sông Đà. Nó nhẹ nhàng và đằm thắm, là “áng tóc trữ tình” của mùa xuân trên nền xanh ngọc bích và thu lừ lừ chín đỏ.

Thả thuyền nhẹ trôi trên sông như thả hồn giữa những “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”, ngắm nhìn “bờ sông như một bờ tiền sử”, hòa mình giữa thiên nhiên tươi mát, mơn mởn: lá ngô non, con hươu thơ,...

Sông Đà còn là một cố nhân, một người thân mà lâu ngày gặp lại, cảm giác như được chiếu sáng, được giải thoát. 

Hình tượng con sông Đà lúc này chính là đại diện cho vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, và sự gắn kết của nó với con người Tây Bắc.

IV. Phân tích người lái đò sông Đà - đại diện cho con người Tây Bắc

Người lái đò trên sông Đà hằng ngày đều phải đối đầu với thủy quái nhưng lại không rõ xuất thân. Tác giả tập trung miêu tả ngoại hình về dáng người, đôi tay, cơ bắp của những con người âm thầm cống hiến, không mong để lại tên tuổi.

Người lái đò là những con người từng trải “trên sông Đà ông xuôi ngược hơn một trăm lần”, thành thạo đến mức “nhớ tỉ mỉ ... những luồng nước”,...

Họ cũng vô cùng mưu trí, dũng cảm và bản lĩnh như một vị tướng tài ba chỉ huy đánh trận. Họ đương đầu với thác dữ, sóng và ghềnh đá một cách ung dung, họ tỉnh táo chỉ huy bạn chèo, “nắm chắc binh pháp của thần sông thần núi”. Đôi tay “nén đau giữ mái chèo”, đưa thuyền cưỡi trên bờm sóng, vọt vào giữa thác,...

nguoi lai do song da

Vị tướng lái đò cũng vô cùng liều lĩnh và ưa mạo hiểm. Họ thích chèo thuyền trên những khúc sông nhiều ghềnh thác, coi đó là thử thách để rèn luyện và coi việc chiến thắng con sông thủy quái là chuyện thường mỗi ngày.

Những phẩm chất và chí khí của người lái đò chính là vẻ đẹp tâm hồn của con người Tây Bắc mà tác giả muốn nói đến. 

Tổng kết lại, tác giả Nguyễn Tuân đã sử dụng rất điêu luyện vốn ngôn ngữ của mình để xây dựng hình tượng con sông Đà và người lái đò. Bằng những tưởng tượng độc đáo, trích đoạn Người lái đò sông Đà đã vẽ nên một cuộc chiến hoành tráng của con người với thiên nhiên. 

Vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc cũng được tác giả ngợi ca hết lời qua nét bạo ngược mà trữ tình của dòng sông Đà khi nhìn từ trên cao. Vẻ đẹp con người hòa quyện cùng với vẻ đẹp của sông núi nước non mới là bức tranh hoàn mỹ nhất.

Bài viết nên đọc