Ẩn dụ là gì? Tìm hiểu thực tế biện pháp tu từ ẩn dụ

Ẩn dụ là một trong những biện pháp tu từ thông dụng trong văn học Việt Nam. Vậy ẩn dụ là gì? Ẩn dụ với các biện pháp tu từ hoán dụ và so sánh có điểm gì giống và khác nhau? Cùng xem qua những ví dụ cụ thể dưới đây để hiểu hơn về phép ẩn dụ trong thơ ca, văn học Việt Nam.

I. Ẩn dụ là gì?

Ẩn dụ là một hình thức tu từ được sử dụng thường xuyên trong văn học mà đặc biệt là thể loại thơ. Biện pháp ẩn dụ dùng một từ hoặc cụm từ để nói về một từ hoặc cụm từ khác có sắc thái ý nghĩa gần giống nhau.

Biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu từ và khơi gợi cảm xúc của người đọc, người nghe.

II. Các hình thức ẩn dụ

Ẩn dụ được sử dụng không chỉ trong văn học và thơ ca mà còn được sử dụng trong văn nói và văn viết hằng ngày.

cac hinh thuc an du

1. Các hình thức ẩn dụ theo văn phóng nói và viết tiếng Việt

1.1 Ẩn dụ hình thức

Ví dụ: răng là bộ phận trên cơ thể người, nhiều răng hợp thành một thể sắc bén nên có thể gọi cho các sự vật khác như răng cưa,...

1.2 Ẩn dụ màu sắc

Ví dụ: một vài sự vật có màu sắc đặc trưng nên khi nói đến các màu da trời, màu cánh sen,...là có thể hình dung được màu sắc đang nói đến.

1.3 Ẩn dụ chức năng

Ví dụ: đèn trước đây dùng để thắp sáng bằng dầu, sau này các loại đèn thắp sáng khác cũng gọi là đèn như đèn pin, đèn huỳnh quang,...

1.4 Ẩn dụ tính chất

Ví dụ: khô chỉ tính chất ít hoặc không có nước, từ đó ta có thể dùng nó trong nhiều tình huống như lời nói khô, con người khô khan,...

1.5 Ẩn dụ tính cách, phẩm chất

Ví dụ: Hoạn Thư là nhân vật trong Truyện Kiều có tính hay ghen về sau phụ nữ hay ghen gọi là phụ nữ có tính Hoạn Thư,...

1.6 Ẩn dụ trừu tượng hóa

Ví dụ: hạt nhân vốn mang ý nghĩa là phần trung tâm của quả, nó còn mang ý nghĩa trừu tượng để chỉ sự trung tâm,...

1.7 Ẩn dụ dùng vật chỉ người

Ví dụ: đồ rắn độc chỉ người có lòng dạ độc ác,...

1.8 Ẩn dụ chuyển tính chất

Ví dụ: gió gào thét, sóng khóc thầm,...

2. Các hình thức ẩn dụ trong thơ ca và văn học

2.1 Ẩn dụ hình thức

Ẩn dụ hình thức là phép ẩn dụ được xây dựng dựa trên các sự vật, hiện tượng có sự tương đồng về hình thức.

Ví dụ:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”
(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trong hai câu thơ trên, “lửa lựu” là hình ảnh ẩn dụ dựa trên màu đỏ của quả lựu giống như ánh lửa. Tác giả đã dùng hình ảnh ẩn dụ là lửa lựu để thể hiện được cái nắng nóng chói chang, rực lửa của mùa hè.

2.2 Ẩn dụ cách thức

Ẩn dụ cách thức là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về cách thức hành động của các sự vật, hiện tượng.

Ví dụ:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
(Trích tục ngữ Việt Nam)

“Ăn quả” và “trồng cây” là hai hình ảnh ẩn dụ cách thức. “Ăn quả” chỉ hành động hưởng thụ thành quả của người đi trước để lại. “Trồng cây” chỉ hành động gây dựng, phát triển cơ ngơi.

2.3 Ẩn dụ phẩm chất

Ẩn dụ phẩm chất là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về phẩm cách, tính chất của các sự vật, hiện tượng

Ví dụ:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
(Trích ca dao, dân ca Việt Nam)

Trong hai câu thơ trên, “thuyền” chỉ người đàn ông với tính cách nay đây mai đó, thường xuyên di chuyển, không đặt nặng tình cảm. “Bến” chỉ người phụ nữ chung thủy sắt son, một lòng một dạ với người thương.

2.4 Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là phép ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về cảm giác của các sự vật, hiện tượng

Ví dụ:

“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”
(Trích Đêm Côn Sơn - Trần Đăng Khoa)

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thể hiện qua từ “mỏng” và “nghiêng”. Tiếng rơi vốn là âm thanh nhưng lại được mô tả bằng hai từ ngữ chỉ tính chất. Biện pháp ẩn dụ cho người đọc hình dung và cảm nhận được sự yên ắng đến tĩnh lặng, ngay cả chiếc lá đa khô giòn tan rơi xuống cũng rất nhẹ nhàng. 

III. Phân biệt ẩn dụ với các hình thức tu từ hoán dụ và so sánh

Ẩn dụ, hoán dụ và so sánh là ba hình thức tu từ hay gặp nhất trong thơ ca và văn học Việt Nam. Ba loại hình này có những điểm chung và những điểm khác biệt khó có thể nhầm lẫn.

1. Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ

1.1 Điểm giống

Cả hai phương thức đều dùng sự vật hiện tượng này để chỉ sự vật hiện tượng khác nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.

1.2 Điểm khác

Ẩn dụ được xây dựng dựa trên những nét tương đồng về hình thức, cách thức, phẩm chất và cảm giác.

Hoán dụ được xây dựng dựa trên những quan hệ tương đương giữa các sự vật, hiện tượng với nhau: cái toàn thể với cái bộ phận, cái chứa đựng và cái bị chứa đựng, cái cụ thể với cái trừu tượng, sự vật và dấu hiệu của sự vật.

Ví dụ hoán dụ toàn thể với bộ phận

“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
(Trích Bài ca vỡ đất - Hoàng Trung Thông)

Hình ảnh hoán dụ là “bàn tay” - bộ phận được hiểu là người lao động - toàn thể.

Ví dụ hoán dụ dấu hiệu của sự vật và sự vật

“Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
(Trích Việt Bắc - Tố Hữu)

Hình ảnh hoán dụ là “áo chàm” - dấu hiệu để chỉ đồng bào Việt Bắc - sự vật có dấu hiệu

Ví dụ hoán dụ cái cụ thể và trừu tượng

“Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về”
(Trích Lượm - Tố Hữu)

Hình ảnh hoán dụ “đổ máu” - cụ thể để chỉ cái chết - trừu tượng

Ví dụ hoán dụ cái chứa đựng với bị chứa đựng

“Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người: Hồ Chí Minh”
(Trích Theo chân Bác - Tố Hữu)

Hình ảnh hoán dụ “trái đất” - vật chứa đựng để chỉ con dân Việt Nam và bạn bè quốc tế - vật bị chứa đựng.

2. Phân biệt ẩn dụ và so sánh

2.1. Điểm giống

Phép ẩn dụ và phép so sánh đều là bàn về hai sự vật, hiện tượng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho người đọc, người nghe.

2.2 Điểm khác 

Ẩn dụ không cần dùng dấu câu khi hành văn cũng như không cần nêu rõ những sự vật, hiện tượng được nói đến. Ẩn dụ là hình thức so sánh ngầm mà những sự vật, hiện tượng được nhắc đến có những nét tương đồng với nhau.

Phép so sánh thì cần sử dụng dấu câu, các từ ngữ so sánh để thể hiện ý tứ diễn đạt. So sánh có hai hình thức là so sánh tương đương và so sánh không tương đương.

Ví dụ so sánh tương đương/ ngang bằng

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
(Trích Trẻ con - Hồ Chí Minh)

Ví dụ so sánh không tương đương/ không ngang bằng

“Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm”
(Trích Bầm ơi! - Tố Hữu)

Nắm rõ được ẩn dụ là gì, các loại hình ẩn dụ trong thơ văn sẽ giúp người đọc, người nghe thấu hiểu được những tình cảm, suy nghĩ mà tác giả gửi gắm trong từng câu chữ. Các cách nói ẩn dụ có những điểm giống và khác nhau nhiều so với hoán dụ và so sánh. Những ví dụ đã nêu ở trên sẽ giúp bạn phân biệt được ba loại hình tu từ này.