Thành ngữ là gì? Thành ngữ với tục ngữ khác nhau ở điểm nào?

Trong văn phong nói hằng ngày, chúng ta vẫn hay sử dụng các cụm từ như mẹ tròn con vuông, nhát như thỏ đế,... Những cụm từ này được gọi là thành ngữ. Vậy, thành ngữ là gì?

Không chỉ được áp dụng trong đời thường, nhiều tác giả cũng đưa thành ngữ vào trong văn học và thơ ca tạo ra những tác dụng nhất định trong việc truyền cảm hứng cho người đọc, người nghe. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thành ngữ và hiệu quả khi sử dụng thành ngữ trong văn học.

I. Thành ngữ là gì? Khái niệm về thành ngữ

Thành ngữ là cụm từ ngắn gọn và không đổi theo thời gian được nhiều người quen dùng. Các câu thành ngữ luôn mang theo nghệ thuật ẩn dụ trong ý nghĩa cho nên không được hiểu đơn giản theo nghĩa đen. Thành ngữ không làm thành một câu hoàn chỉnh mà chỉ là một nhóm từ mang một ý chỉ cố định.

thanh ngu

Thành ngữ có các đặc điểm sau:

  • Xây dựng trên những hình ảnh cụ thể nên mang tính hình tượng
  • Ý nghĩa của thành ngữ không dựa trên từ ngữ hợp thành mà dựa trên hàm ý bao quát, sâu xa hơn nên có tính hàm súc, khái quát và mang sắc thái biểu cảm nhất định.

II. Cách phân loại thành ngữ

Có 2 cách để phân loại thành ngữ Việt Nam, dựa vào số lượng từ trong thành ngữ và dựa vào kết cấu của thành ngữ. Việc phân loại này chỉ là dựa vào hình thức, không phản ánh được ý nghĩa cũng như quan hệ và đặc điểm bên trong của thành ngữ.

thanh ngu hay

1. Dựa vào số lượng thành tố

Dựa vào số lượng từ, thành ngữ được chia thành 2 loại:

  • Thành ngữ có kết cấu ba tiếng: kín như bưng, khỏe như voi, nhanh như gió, đen như mực, ....
  • Thành ngữ có kết cấu bốn tiếng: Đây là tổ hợp khá phổ biến trong kho tàng thành ngữ Việt Nam. Thành ngữ bốn tiếng còn được phân chia thành hai loại:
  • Thành ngữ bốn tiếng láy ghép: chết mê chết mệt, lấm la lấm lét, lâm li bi đát...
  • Thành ngữ bốn tiếng hai từ ghép: bày mưu tính kế, phong ba bão táp, ghen ăn tức ở, há miệng chờ sung,...
  • Thành ngữ có kết cấu nhiều hơn bốn tiếng

Ví dụ:

  • Ăn như tằm ăn rỗi
  • Treo đầu dê bán thịt chó
  • Cõng rắn cắn gà nhà
  • Chó chê mèo lắm lông
  • Sông có khúc, người có lúc
  • Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
  • Kẻ tám lạng, người nửa cân
  • Đứng núi này trông núi nọ,...

2. Dựa vào kết cấu chủ vị

Dựa vào kết cấu ngữ pháp chủ ngữ và vị ngữ trong thành ngữ, có thể chia thành 2 loại:

  • Thành ngữ có kết cấu chủ - vị - tân ngữ/ trạng ngữ: hổ phụ sinh hổ tử, mèo khen mèo dài đuôi,ma cũ bắt nạt ma mới,...
  • Thành ngữ có kết cấu chủ - vị - chủ - vị: giậu đổ bìm leo, khẩu xà tâm phật, hoa nhường nguyệt thẹn, nước chảy đá mòn,...

III. Thành ngữ với tục ngữ khác nhau như thế nào?

Thành ngữ và tục ngữ là hai thành phần dễ bị nhầm lẫn nhất trong kho tàng văn học Việt Nam.

tuc ngu

1. Về ngữ pháp

Tục ngữ là một câu nói ngắn gọn, súc tích nhưng hoàn chỉnh

Ví dụ:

  • Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời
  • Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may

Thành ngữ là một cụm từ cố định và là một thành phần trong câu, không thể đứng riêng thành câu hoàn chỉnh.

Ví dụ:

  • Cạn tàu ráo máng
  • Chân cứng đá mềm

2. Về ý nghĩa

Tục ngữ là những bài học, kinh nghiệm trong đời sống hoặc là phê phán những hiện tượng trong xã hội.

Ví dụ:

  • Đi một ngày đàng, học một sàng không
  • Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
  • Một điều nhịn là chín điều lành

Thành ngữ mang đậm những hình ảnh biểu trưng mang tính khái quát cao.

Ví dụ:

  • Mình đồng da sắt
  • Nước mắt cá sấu
  • Ruột để ngoài da

Khi sử dụng trong văn nói cũng như văn viết, tục ngữ có thể tự nó đứng thành một câu hoàn chỉnh. Ví dụ: “Tục ngữ vẫn thường nói: Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

Trong khi đó, thành ngữ phải lồng vào câu nói mới bộc lộ được ý nghĩa của nó. Ví dụ: “Cuộc sống đầy rẫy đủ loại người, lắm người tốt, cũng lắm kẻ khẩu phật tâm xà nên nhìn người không thể nhìn vẻ bề ngoài.”

IV. Tác dụng của thành ngữ trong văn học

Thành ngữ mang giá trị biểu cảm cao, tính ẩn dụ và hàm ý sâu sắc nên được các tác giả đưa vào trong văn thơ khá nhiều. Nó dễ dàng truyền tải được tâm tư, suy nghĩ của tác giả đồng thời khơi gợi được cảm xúc của người đọc.

Ví dụ: Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” được nhà thơ sử dụng để thể hiện số phận long đong, lận đận của người phụ nữ. Qua đây, tác giả bày tỏ lòng đồng cảm sâu sắc với số phận chênh vênh, không biết khi nào mới có thể cập bến của người phụ nữ đương thời.

Ví dụ: Tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố

“… Không như những kẻ mặt người dạ thú, mượn tiếng “thay mặt dân” để hót chính phủ mà xin xỏ việc này việc kia,...”.

Qua thành ngữ “mặt người dạ thú”, chúng ta có thể thấy được cái sự thối nát của bộ máy chính quyền quan lại đương thời. Bên cạnh đó là thái độ chán ghét đến cùng cực của nhà văn với những thành phần không có tính người như thế.

Hay những thành ngữ: “đầu tắt mặt tối”, “cày thuê cuốc mướn”, “chạy ngược chạy xuôi”, “thắt lưng buộc bụng”,… khi nói về chị Dậu.

Nhà văn thể hiện được nỗi cơ cực đến bần cùng của gia đình chị Dậu cũng như nhiều gia đình nông dân khác trong xã hội phong kiến đương thời. Đồng thời với miêu tả chân thực đời sống, nhà văn cũng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của chị Dậu.

tat den

Qua nội dung bài viết, hy vọng bạn đọc hiểu được những nội dung cơ bản liên quan đến thành ngữ: thành ngữ là gì; đặc điểm, phân loại thành ngữ; giá trị của thành ngữ trong tác phẩm văn học.

Thành ngữ chỉ là một phần trong kho tàng văn học dân gian đồ sộ của nước ta. Ngoài thành ngữ còn có tục ngữ, ca dao,dân cao. Khó phân biệt nhất vẫn là thành ngữ và tục ngữ.

Bạn đọc đã nắm được khái niệm “thành ngữ là gì” và những điểm khác nhau giữa thành ngữ, tục ngữ như thông tin bài viết cung cấp chưa nào? Nó sẽ giúp bạn đọc vận dụng thành ngữ chính xác hơn trong đời sống cũng như áp dụng vào phân tích và cảm nhận các tác phẩm văn học thấu đáo hơn.

Bài viết nên đọc