Hoán dụ là gì? Ví dụ minh họa cho 4 phương thức chuyển nghĩa của hoán dụ

Hoán dụ là gì? Các loại hình của hoán dụ có gì giống và khác với những biện pháp tu từ khác?

Cũng như ẩn dụ, hoán dụ là một phần trong chương trình học môn Ngữ văn. Hiểu rõ khái niệm, phân loại và ý nghĩa của nghệ thuật tu từ hoán dụ giúp ích rất nhiều trong quá trình phân tích và cảm thụ văn học sau này.

I. Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là một hình thức tu từ dùng trong văn học và thơ ca. Nó mượn sự vật, hiện tượng được nói đến để chỉ một sự vật hiện tượng khác có quan hệ tương đương. Hoán dụ được sử dụng trong văn thơ để tăng lên sức gợi hình, gợi cảm của câu từ, truyền đạt ý nghĩa và cảm xúc của tác giả đến người đọc, người nghe.

Trong ngôn ngữ giao tiếp ngày thường, chúng ta vẫn luôn sử dụng hoán dụ nhưng không hề hay biết. Tìm hiểu tiếp tục trong phần ví dụ các loại hình hoán dụ để biết rõ hơn về tính văn học trong ngôn phong thường nhật của chúng ta.

II. Ý nghĩa của biện pháp tu từ hoán dụ trong văn học

Mỗi một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn học đều có giá trị của nó mà tác giả muốn đem đến cho người đọc, người nghe. Đối với hoán dụ, nó có 2 tầng giá trị khi đưa vào trong một tác phẩm.

Hoán dụ sử dụng những điểm gần gũi giữa các sự vật, hiện tượng để đưa vào tác phẩm nên người đọc dễ liên tưởng mà không cần phải có sự so sánh. Từ đó, tăng khả năng truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của tác giả đến người đọc, người nghe.

Hoán dụ có chức năng giúp người đọc nhận thức và hình dung được sự tương đồng của hai sự vật, hiện tượng được nói đến. Ý nghĩa của câu từ không bị ẩn đi một phần như biện pháp ẩn dụ.

III. Phân loại các phương thức chuyển nghĩa của hoán dụ

Gọi là các phương thức chuyển nghĩa của hoán dụ cũng như các loại hình tu từ hoán dụ. Biện pháp tu từ hoán dụ là mượn cái này để nói cái khác có ý nghĩa tương đồng nên phân loại thành 4 nhóm phương thức chuyển nghĩa sau:

1. Lấy bộ phận để nói về toàn thể

Ví dụ 1: Cô ấy là một tay cờ vua cự phách của trường

Hoán dụ ở từ “tay” dùng để chỉ chính “cô ấy”.

Ví dụ 2:

“Một trái tim lớn lao đã từ giã cuộc đời
    Một khối óc lớn đã từng sống”
    (Trích Viết về Na-dim Hít-mét - Xuân Diệu)

Hoán dụ ở “trái tim” và “khối óc” là một bộ phận của con người để chỉ con người.

2. Lấy vật chứa đựng để nói về vật bị chứa đựng

Ví dụ 1: Cô ấy bước vào phòng, cả lớp đều ồ lên.

Hoán dụ ở từ “cả lớp” dùng để chỉ những học sinh ở trong lớp ấy.

Ví dụ 2:

“Thác bao nhiêu thác cũng qua
    Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời”
    (Trích Nước non ngàn dặm - Tố Hữu)

Hoán dụ ở từ “chiếc thuyền” là vật chứa đựng để nói về con người ở trong con thuyền đó. Là “chiếc thuyền” ta trên đời chính là nhân vật “ta” hiên ngang, thênh thang giữa cuộc đời.

3. Lấy dấu hiệu của sự vật, hiện tượng để nói về sự vật, hiện tượng

Ví dụ 1: Cô bé áo vàng ở quán cà phê hôm trước ấy.

Hoán dụ ở từ “áo vàng” là dấu hiệu để nhận biết của “cô bé trong quán cà phê”

Ví dụ 2:

“Sen tàn cúc lại nở hoa
    Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”
    (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Hoán dụ ở từ “sen” và “cúc” là dấu hiệu để ám chỉ hai mùa hạ và thu. Vì sen nở vào mùa hạ và cúc nở vào mùa thu.

4. Lấy sự vật, hiện tượng cụ thể để nói về vấn đề trừu tượng

Ví dụ 1: Cậu ấy là chân sút vàng của đội tuyển bóng đá lớp người ta

Hoán dụ ơ từ “vàng” để chỉ sự điêu luyện, chơi bóng vô cùng giỏi của “cậu ấy”.

Ví dụ 2:

“Vì lợi ích mười năm trồng cây
    Vì lợi ích trăm năm trồng người”
    (Trích lời Bác dạy trong bài phát biểu ngày 13/09/1958 tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc)

Hoán dụ ở từ “mười năm” và “trăm năm”. Hai từ này không phải chỉ nói “trồng cây” hết “mười năm”, trồng người hết “trăm năm” mà muốn nói “trồng cây” tốn thời gian dài những “mười năm” mới thấy lợi ích, còn “trồng người” là cả một quá trình dài đằng đẵng gấp bội. Cho nên, chúng ta không thể nóng vội phải có kế hoạch và sự kiên trì bền bỉ dài lâu.

IV. Điểm giống và khác nhau giữa biện pháp tu từ hoán dụ và ẩn dụ

Hoán dụ và ẩn dụ là những biện pháp tu từ rất hay được sử dụng trong thơ ca Việt Nam vì ý nghĩa gợi hình, gợi cảm và khả năng truyền đạt cảm xúc của chúng. Hoán dụ và ẩn dụ có những điểm chung và những điểm khác biệt, chúng ta cần nắm rõ để phân biệt và không bị nhầm lẫn khi phân tích văn học.

1. Điểm giống

Đều là mượn sự vật, hiện tượng được nói đến trong tác phẩm để ám chỉ một sự vật, hiện tượng khác. Người đọc, người nghe dựa vào sự tương đồng của hai sự vật, hiện tượng mà có sự liên tưởng.

2. Điểm khác

Nghệ thuật ẩn dụ được xây dựng chỉ dựa trên sự liên tưởng tương đồng. Hai sự vật, hiện tượng được nói đến chỉ có một điểm tương đồng nhỏ về hình thức hoặc cách thức hoặc cảm giác hoặc phẩm chất

Nghệ thuật hoán dụ được xây dựng dựa trên sự liên tưởng tương cận. Hai sự vật, hiện tượng được nói đến có mối quan hệ gần gũi với nhau giữa bộ phận với toàn thể, giữa vật chứa đựng với bị chứa đựng, giữa dấu hiệu với sự vật có dấu hiệu, giữa cụ thể với trừu tượng.

V. Các bước phân tích biện pháp tu từ trong văn học

Trong bộ môn Văn học hay Ngữ văn thì các đề bài yêu cầu cảm thụ văn học, phân tích tác phẩm là không thể thiếu. Trong toàn bộ quá trình cảm thụ và phân tích văn học thì phân tích các biện pháp tu từ là nội dung quan trọng không thể bỏ qua.

Phân tích một biện pháp tu từ hoán dụ nói riêng và các hình thức tu từ khác trong văn học nói chung phải cần đầy đủ 5 bước sau:

  • Bước 1: Nêu tên tác giả và tác phẩm hoặc đoạn trích
  • Bước 2: Nêu tên biện pháp tu từ được sử dụng trong tác phẩm hoặc đoạn trích
  • Bước 3: Nêu lên hình ảnh tu từ được được sử dụng với hình ảnh liên tưởng
  • Bước 4: Nêu ý nghĩa và giá trị của biện pháp tu từ
  • Bước 5: Đánh giá về tình cảm, suy nghĩ của tác giả gửi gắm qua tác phẩm, đoạn trích.

Hoán dụ là gì? Hoán dụ là biện pháp nghệ thuật tu từ rất hay gặp trong các tác phẩm văn học nhất là thơ ca. Hoán dụ rất dễ bị nhầm lẫn với ẩn dụ, 4 phương thức hoán dụ cũng rất dễ gây nhầm lẫn nếu không nắm kỹ nội dung và ý nghĩa của từng loại.

Bài viết chi tiết về nghệ thuật tu từ hoán dụ hy vọng sẽ giúp ích nhiều cho các em học sinh và phụ huynh trong quá trình tiếp cận bộ môn Ngữ văn.

Bài viết nên đọc