Phân tích người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa

Hình ảnh người phụ nữ không xa lạ trong văn học xưa và nay. Qua mỗi tác phẩm được tác giả vẽ nên thật đẹp, thật đặc sắc. Và có lẽ, nhắc đến phụ nữ, nhiều người nghĩ đến người đàn bà làng chài trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu.

Phân tích người đàn bà hàng chài để hiểu rõ hơn ám ảnh, trăn trở của những con người hàng chài về cuộc sống trong thời đại đổi mới. Người đàn bà - một hình ảnh được Nguyễn Minh Châu phác hoạ giàu trải đời và giàu cảm xúc.

I. Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được tác giả in lần đầu trong tập “Bến quê” (1985). Sau đó tác phẩm này được đặt tên chung cho tuyển tập truyện ngắn được in vào năm 1987.

Chiếc thuyền ngoài xa

Chiếc thuyền ngoài xa kể về chuyến đi sáng tác ảnh lịch Tết của nhiếp ảnh Phùng. Khi đến với vùng biển này, Phùng đã nhận ra nhiều góc khuất của cuộc sống mà có lẽ đâu đó chúng ta dễ bỏ lỡ. Đằng sau bức ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà nhiếp ảnh gia Phùng đã bắt gặp là một góc khuất khác. Một người đàn bà đặc trưng vùng biển chầm chậm bước ra khỏi tấm ảnh.

II. Phân tích người đàn bà hàng chài

Người đàn bà lam lũ…

Người đàn bà trong câu chuyện của nhiếp ảnh gia Phùng là người đầy lam lũ, cơ cực và nhọc nhằn. Người đàn bà ấy chẳng ai biết tên thật là gì.

Tác giả đã gọi người đàn bà ấy bằng những tên gọi chung chung, người đàn bà hàng chài, mụ, chị ta… Kể cả khi gặp Chánh án Đẩu ở ở Toà án huyện, chúng ta vẫn không biết tên người đàn bà ấy. Phải chăng người đàn bà ấy vô danh.

Vâng, đó là dụng ý mà tác giả Nguyễn Minh Châu muốn. Người đàn bà ấy chính là đại diện cho cuộc sống đầy nhọc nhằn, khốn khổ của biết bao nhiêu người phụ nữ trên nhiều miền quê.

Dưới ngòi bút sâu sắc của mình, Nguyễn Minh Châu vẽ nên từng đường nét đắt giá, đầy sức gợi về người đàn bà ấy. Mỗi khi đọc từng dòng chữ đầu tiên, ta ấn tượng ngay với hình ảnh đầy nhọc nhằn, khổ sở.

“...Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. M​ụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ…”

Người đàn bà ấy càng ám ảnh người đọc hơn với hình ảnh “tấm áo bạc phếch có miếng vá” hay như “nửa thân dưới ướt đã sũng”. Thật là chua xót. Cuộc sống mưu sinh trên biển cả đầy sóng gió, lênh đênh đã cướp đi của người phụ nữ ấy tất cả mọi sức sống.

Nhưng có lẽ hình ảnh người đàn bà ấy nhanh chóng chìm vào quên lãng nếu không có sự việc trái ngang. Hình ảnh mà Phùng phải day dứt mỗi khi xem lại tấm ảnh tuyệt mỹ như vậy. 

Hình ảnh người đàn bà hàng chài định đưa tay gãi hay sửa lại tóc nhưng rồi thôi, phải chăng người đàn bà ấy buông xuôi số phận. Và rồi người đàn bà ấy cam chịu để người chồng trút cơn giận như lửa cháy vào tấm lưng của mình. Nơi đây đã quá quen thuộc bởi những trận đòn khủng khiếp “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

Sự khốn khó của người đàn bà ấy còn hiện rõ trong từng cử chỉ, từng hành động. Chị “sợ sệt, lúng túng” khi đến toà án, rồi “chỉ tìm đến góc tường để ngồi” và “rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế”. Những từ ngữ đắt giá được Nguyễn Minh Châu miêu tả người đàn bà tội nghiệp ấy. Chị luôn mặc cảm, luôn tự ti về chính mình, có lẽ chị cũng nghĩ rằng mình gây nên khó chịu, phiền phức cho những người xung quanh.

Thấu hiểu sự đời…

Người đàn bà hàng chài khi bị chồng đánh đến đau đớn, sợ sệt đứng trước chánh án Đẩu lại trái ngược. Và tại đây, nỗi lòng, sự đời sâu kín nhất được chị chia sẻ và cởi mở hơn bao giờ. Chị trút hết tâm sự với những trần tình, bào chữa cho chồng một cách xuất sắc nhất trước Phùng và Đẩu.

Trong mắt của Phùng và Đẩu, chồng chị là người độc ác, chỉ biết đánh vợ. Còn chị? Chị là người nhu nhược đến mê muội. Có thật vậy không?

Từ nhỏ, chị đã là người con gái xấu xí, rỗ mặt, không ai lấy. Chị khẳng định chồng mình không hề xấu, mà là ân nhân cuộc đời để chị được làm vợ, làm mẹ. Nếu không có chồng, có lẽ chị vẫn một đời cô độc, lẻ loi. Và trước đây chồng chị không hề xấu, không hề vũ phu “anh con trai cục tính, nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập ai”.

Cuộc đời một lần nữa xô đẩy mụ và chồng đến bất hạnh. “Giá tôi đẻ ít đi” hoặc “sắm được một chiếc thuyền to hơn”. Chị nhận hết lỗi lầm về mình. Gia đình càng túng quẫn hơn khi “ông trời làm động biển suốt và cả nhà chỉ ăn xương rồng chấm muối”. Mụ không đổ lỗi, mụ nhận hết lỗi về mình. Chỉ có thể là người bao dung, tấm lòng đẹp lắm mới nhận hết lỗi lầm về mình.

Cuộc sống nghèo và khổ, áp lực của mưu sinh, của một người chồng, một người cha đã khiến chồng mụ thay đổi. Chỉ có đánh mụ chồng mụ mới giải tỏa được hết áp lực đó. Vì thương chồng, mụ sẵn sàng cam chịu bị chồng đánh… nhưng giá như lão uống rượu thì mụ đỡ khổ hơn.

Thế nhưng, mụ cương quyết bị chồng đánh chớ quyết không bỏ chồng. Mụ cần chồng. Cần một người đàn ông để chèo chống con thuyền giữa bão gió phong ba cuộc đời. Người đàn ông đó bảo vệ mụ và các con trước sóng gió dữ dội của thiên nhiên.

Mụ còn là người yêu thương con vô điều kiện. Bao đời phụ nữ vẫn vậy, vẫn yêu thương. Bởi mụ xin lão được đánh trên bờ để con không chứng kiến cảnh đau lòng. Đứa con trai chị thương nhất phải gửi đi ông ngoại tận trên rừng, bởi chị không muốn con làm những việc trái luân thường đạo lý. Thằng con trai mà của chị, lăm lăm dao trong tay nhưng chị chắp tay xin nó đừng phạm phải. Lòng chị buồn tủi, đau đớn đến tận cùng nhưng vẻ đẹp tâm hồn của chị vẫn hiện hữu.

Niềm vui của người đàn bà hàng chài thật đơn giản, đôi khi chỉ là được nhìn đàn con ăn nó. Vâng, những đứa con chính là sức mạnh để chị hi sinh tất cả, chấp nhận bị đánh, mạnh mẽ đứng lên sau mỗi trận đánh. Chị chỉ mong con mình có được một cuộc sống bình yên hơn. Thấp thoáng hình ảnh người đàn bà hàng chài là hình ảnh của bao phụ nữ Việt, giàu hy sinh và vị tha, cả một đời sống vì con.

Với phương pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, ngoại hình và tâm hồn, Nguyễn Minh Châu khắc hoạ hình ảnh người đàn bà hàng chài thật sâu sắc. Nghịch lý cuộc sống vẫn hiện hữu nhưng chẳng thể nào nhìn bề ngoài mà hiểu được ý nghĩa sâu xa bên trong. Thông điệp của “Chiếc thuyền ngoài xa” cho người đọc thêm nhiều trăn trở chưa bao giờ có lời giải đáp.

Bài viết nên đọc