Phân tích chị em Thúy Kiều trong trích đoạn cùng tên xuất sắc nhất

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều nằm trong phần mở đầu của tác phẩm Truyện Kiều. Đoạn trích nói về vẻ đẹp hoàn hảo cũng như tài năng xuất chúng của của hai chị em. Chúng ta cùng nhau phân tích để thấy được cái tài của đại thi hào Nguyễn Du trong cách xây dựng và tạo hình nhân vật chỉ bằng từ ngữ.

I. Tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều - Đoạn Trường Tân Thanh

Đại thi hào Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của triều đại cuối Lê và đầu Nguyễn. Nguyễn Du từng đậu Nhị giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Đại Tư đồ tức Tể tướng. Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

dai thi hao nguyen du

Các sáng tác của Nguyễn Du luôn làm bật lên được bức tranh hiện thực đa dạng. Từng câu, từng chữ trong thơ văn của Nguyễn Du luôn tràn đầy âm thanh, màu sắc của cuộc sống. Chính các sức sống kỳ lạ ở mỗi tác phẩm mà các sáng tác của ông được lưu hành rộng rãi ngay cả vào thời kỳ ông còn sinh thời.

Nguyễn Du nổi tiếng với nhiều tác phẩm bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Qua mỗi tác phẩm, Nguyễn Du luôn bày tỏ tư tưởng, tình cảm sâu sắc của mình với nhân vật và với nhân thế.

Tác phẩm chữ Hán có 3 tập thơ:

  • Thanh Hiên tiền hậu tập
  • Nam trung tạp ngâm
  • Bắc hành tạp lục

Tác phẩm chữ Nôm:

  • Đoạn Trường Tân Thanh với tên gọi phổ biến hiện nay là Truyện Kiều
  • Văn chiêu hồn
  • Thác lời trai phường nón
  • Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ

Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát, là thành tựu tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam trung đại. Nội dung cốt truyện được Nguyễn Du viết dựa trên tác phẩm tên Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc.

Thời điểm sáng tác Truyện Kiều đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Có thuyết cho rằng ông viết trước khi đi sứ sang Trung Quốc, có thuyết cho rằng ông viết vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình.

II. Dàn ý phân tích hai nhân vật Chị em Thúy Kiều trong đoạn trích

Nguyễn Du luôn biết cách sử dụng ngôn từ để khắc họa tài hoa, tình cách, số phận của nhân vật. Bằng bút pháp lý tưởng hóa nhân vật, ông đã vẽ nên bức chân dung toàn mỹ của hai chị em Thúy Kiều - một vẻ đẹp tiêu biểu và chuẩn mực phong cách Á Đông.

chi em thuy kieu

Bốn câu thơ đầu, Nguyễn Du đã giới thiệu và miêu tả khái quát hai nhân vật chính của bộ truyện. Người chị tên Thúy Kiều, người em tên Thúy Vân, cả hai đều có cốt cách thanh tao như mai, phẩm hạnh trong trắng, tinh khôi như tuyết.

“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”

Bằng bút pháp ước lệ, nhà thơ đã để lại ấn tượng cho người đọc về hai chị em tài sắc vẹn toàn “mười phân vẹn mười”.

1. Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”

“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Vẻ đẹp của Thúy Vân là nét đẹp cao sang, quý phái, “trang trọng khác vời”. Nét đẹp của Thúy Vân phải sánh với mây với hoa, với trăng với tuyết, một vẻ đẹp thanh tao và tự nhiên.

Thúy Vân có vẻ đẹp điềm đạm và đoan trang từ khuôn mặt đầy đặn thanh tao như ánh trăng, đến chân mày, nụ cười như hoa, mái tóc bồng bềnh hơn mây và làn da trắng hơn tuyết.

Vẻ đẹp của Thúy Vân đến tự nhiên cũng phải cúi đầu chào “thua” và sẵn sàng “nhường” cho nàng. Qua đây, có thể thấy, Thúy Vân sẽ có một cuộc đời an yên, không sóng gió.

2. Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”

Tác giả sử dụng nghệ thuật đòn bẩy, miêu tả Thúy Vân trước để làm bật lên nét đẹp và tài năng của Thúy Kiều.

“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:”

Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp của tâm hồn mặn mà và trí tuệ sắc sảo. Thúy Vân đã đẹp như vậy nhưng Thúy Kiều cả tài, cả sắc đều vượt hơn hẳn em gái mình.

Đôi mắt của nàng trong sáng, long lanh và có hồn như nước mùa thu, như núi mùa xuân

Kiều là mỹ nữ tuyệt thế giai nhân khiến tự nhiên phải ghen ghét đố kị, hoa ghen vì không đẹp bằng, liễu hờn vì không tươi bằng.

dan y truyen kieu

Vẻ đẹp của nàng Kiều được ví là “nghiêng nước nghiêng thành”, một vẻ đẹp khiến người ta say mê đến nỗi mất thành, mất nước.

Sắc đẹp của Kiều là độc nhất vô nhị, tài năng của Kiều thì may mắn lắm mới có được người thứ hai, “Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”

Kiều được trời cao ưu ái, thông minh, tài giỏi, đạt đến mức tài hoa lý tưởng của quan niệm phong kiến cả bốn bộ môn cầm, kỳ, thi, họa.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh tài năng đàn của nàng. Một khúc đàn tựa “Bạc mệnh” làm lòng người biết bao não nề. Chỉ có con người đa sầu, đa cảm mới viết nên được khúc nhạc lay động lòng người đến thế.

Không chỉ là tài năng bậc nhất, phẩm hạnh của nàng cũng xứng danh hoàng hoa đại khuê nữ. Mặc dù đã tới tuổi cập kê nhưng nàng rất biết giữ gìn nhân phẩm và danh tiết. Khuê phòng vẫn kín cổng cao tường, mặc kệ ngoài kia người ta ong bướm vui đùa.

phan tich chi em thuy kieu

Ngoại hình của Kiều khiến thiên nhiên ganh ghét, đố kỵ, tâm hồn nàng lại đa sầu đa cảm, tài năng của nàng càng khiến người ta đỏ mắt. Xưa nay “hồng nhan bạc mệnh”, trời cao ban tặng cho con người cái này nhưng lại lấy đi của họ cái khác. Qua đó, nhà thơ như dự báo trước số phận của nàng sẽ đầy sóng gió, trắc trở và nghiệt ngã.

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều nổi bật với bút pháp ước lệ tượng trưng, thủ pháp đòn bẩy, nhiều biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, đối xứng, liệt kê. Ngoài ra, cách sử dụng ngôn ngữ tài tình đã mang lại hiệu quả miêu tả vô cùng sinh động và chân thực.

Nhà thơ đã xây dựng nên vẻ đẹp của Vân và Kiều là hai nét đẹp khác nhau mang dáng dấp của số phận. Một người điềm đạm an nhiên, một người sắc sảo mặn mà, một người một đời thanh nhàn, một người cả đời trắc trở. Qua đoạn trích, nhà thơ cũng bộc lộ sự thưởng thức của mình với những con người tài hoa và cũng thương tiếc cho kiếp người tài hoa mà bạc mệnh.

Bài viết nên đọc