Những công thức nấu sữa hạt giải khát ngày hè

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, dưỡng nhan, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hoá,... Là những yếu tố bắt nguồn từ mong muốn của con người. Nhưng phải chăng chúng ta cứ tìm kiếm đâu xa mà không biết rằng chỉ với những thành phần dinh dưỡng từ tự nhiên cũng đã có thể tạo ra nhiều công thức nấu sữa hạt dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

Sữa hạt được con người tích cực đón nhận bởi những lợi ích mà nó đem lại. Ngoài ra, thức uống dinh dưỡng này còn là giải pháp giúp người ăn chay thay thế được sản phẩm sữa từ động vật. Tuy nhiên, những sản phẩm sữa hạt được chế biến sẵn và bày bán ngoài thị trường thường bị ép giá cao và có sử dụng thêm chất bảo quản, khiến một bộ phận người dùng khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Vậy nên những công thức nấu sữa hạt tại nhà dưới đây đang dần được ưa chuộng hơn bao giờ hết!

1. Sữa đậu nành

Nguyên liệu: (Khẩu phần cho 3 người) 

  • 300g đậu nành (đỗ tương)
  • Lá dứa: 4 - 5 lá

Dụng cụ: Máy xay sinh tố, túi lọc.

sua dau nanh

Cách làm

Bước 1: Sơ chế

Chọn đậu để nấu nên chọn những hạt chắc, mẩy vì những hạt lép hoặc bị sâu nếu không được loại bỏ sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng sữa. Rửa qua đỗ tương với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn. Tiếp đến, ngâm đậu trong nước ấm khoảng từ 4-6 tiếng cho đậu nở căng tròn, giúp cho bước xay đậu trở nên dễ dàng hơn.

Bước 2: Xay đậu

Cho đậu vào máy xay để xay, nên chia nhỏ lượng đậu để xay tránh bị lợn cợn. Một mẹo nhỏ mách bạn khi xay, hãy nên cho nước vào xay cùng, nhấn và thả nút đều đặn nhiều lần sẽ giúp những hạt đậu được xay nhuyễn hơn.

Bước 3: Lọc đậu

Sau khi xay đậu, dùng túi lọc đã chuẩn bị sẵn hoặc sử dụng rây lọc để vắt lấy nước đậu và bỏ riêng phần bã nếu muốn lọc thêm một lần nữa, việc này giúp sữa đậu có thêm độ sánh và thơm ngon hơn. Với 300g đậu thì sau khi xay, chúng ta sẽ lọc với khoảng 600ml nước nhé!

Bước 4: Nấu sữa đậu

Cho nước đậu sau khi lọc vào nồi, đun trên lửa nhỏ cùng một nắm lá dứa. Lưu ý không nên đun lửa to, khuấy đều để tránh bị khét dưới đáy nồi. Trong quá trình nấu, người đứng bếp nên thường xuyên hớt bọt để tăng độ sánh mịn cho sữa. Cuối cùng, bạn chỉ cần đun sữa trong khoảng 25 phút, bỏ thêm 1 chút muối tránh cho sữa bị kết tủa và gia giảm lượng đường tùy theo khẩu vị.

Lưu ý: Sữa đậu sau khi nấu nếu chưa sử dụng hết, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa 2 ngày. Thành phẩm sữa đậu nành có màu trắng ngà, hương vị dễ uống và có thể sử dụng khi còn nóng hoặc để lạnh tùy thích.

2. Sữa đậu phộng 

Nguyên liệu:

  • Đậu phộng (lạc): 300 gr
  • Lá dứa: 5-6 lá
  • Sữa đặc: 1 muỗng canh
  • Đường phèn: 75 gr
  • Tinh chất vani: 1 ống nhỏ.

Dụng cụ: Máy xay sinh tố, túi lọc.

sua dau phong

Cách làm

Bước 1: Rang đậu và đãi vỏ

Đầu tiên, bạn bắc chảo lên bếp và đợi đến khi chảo nóng già, sau đó cho đậu phộng vào rang. Đảo lạc đều tay với lửa vừa khoảng 3 - 5 phút cho đến khi bắt đầu nghe thấy tiếng nổ lách tách, có vết nứt thì tắt bếp. Tuy nhiên bạn vẫn tiếp tục đảo đậu phộng thêm 1 - 2 phút nữa trong chảo nóng nhé. Đậu sau khi rang xong, để cho nguội bớt rồi bạn đãi sạch vỏ đậu.

Lưu ý: Tránh rang đậu với lửa nhỏ làm đậu lâu chín, và cũng không nên rang với lửa lớn khiến đậu nhanh xém mà vẫn bị sượng. 

Bước 2: Xay đậu

Sau khi rang và đãi sạch vỏ lạc sẽ cho cùng với 1-2 lá dứa vào máy xay, thêm lượng nước vừa đủ và bật máy. Với 300g đậu phộng, bạn nên dùng khoảng 700ml nước. Khi được một hỗn hợp vừa ý, bạn đổ ra vải lọc và vắt mạnh để loại bỏ các cặn và bã đậu.

Bước 3: Nấu hỗn hợp 

Lấy 2 - 3 lá dứa buộc thành bó rồi cho vào nồi sữa để tạo được hương thơm tự nhiên. Nấu sữa trên lửa vừa trong 20 phút. Sau khi tắt bếp bạn cho vào một muỗng canh sữa đặc và thêm 1 ống vani, giúp tăng thêm phần thơm ngon cho thức uống.Khi sữa còn nóng, bạn cho 75g đường phèn vào và khuấy nhanh để đường tan hết. 

Bước 4: Bảo quản 

Thành phẩm sau khi nấu được kết hợp cùng hương thơm bùi béo của hạt lạc và vị ngọt nhẹ của vani. Chúng ta cũng có nhiều cách để thưởng thức sữa đậu phộng như để sữa nguội hoặc có thể uống lạnh. Nếu chưa dùng hết thức uống này trong ngày, bạn nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để đảm bảo hương vị và hợp vệ sinh.
 

3. Sữa ngô

Nguyên liệu:

  • Ngô ngọt: 2 bắp 
  • Đường phèn: 80g
  • Sữa tươi không đường: 220ml

Dụng cụ: Máy xay, túi lọc 

sua ngo

Cách làm 

Bước 1: Sơ chế

Bạn bóc lớp lá ngoài và râu ngô, rửa thật sạch bắp ngô với nước. Dùng dao gọt phần hạt ngô và để riêng, không nên gọt quá sâu vào phần lõi ngô. Luộc lõi ngô, râu ngô cùng với 1 lít nước. Mở lửa lớn đun sôi, sau đó đun trong 15 phút tiếp thì tắt bếp, để nguội.

Bước 2: Xay ngô

Cho phần hạt đã tách vào cối xay, thêm nước luộc ngô vào và xay nhuyễn. Công thức xay ngô khi còn sống sẽ giúp sữa ngô của bạn sánh mịn, thơm ngon hơn so với việc luộc chín tất cả nguyên liệu rồi mới xay. Dùng rây lọc bỏ bã ngô sau khi xay.

Bước 3: Nấu sữa

Bắc nồi lên bếp, cho sữa đã lọc vào và đun trên lửa vừa, khuấy đều tay và hớt bọt thường xuyên, tránh để tinh bột ngô lắng xuống đáy nồi khiến sữa bị lợn cợn. Sau khi sôi, thêm 220ml sữa tươi không đường, khuấy đều vào tắt bếp.

Bước 4: Bảo quản

Thành phẩm sau khi nấu có mùi thơm đặc trưng, màu vàng nhẹ đẹp mắt, đậm vị ngô, thơm vị sữa. Bạn nên để nguội và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng khi sữa lạnh sẽ ngon nhất.

Trên đây là một số công thức nấu sữa hạt khá đơn giản và phổ biến nhất. Bạn hãy áp dụng và trổ tài cho người thân, bạn bè thưởng thức nhé. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!

Bài viết nên đọc