Cách làm bún đậu mắm tôm ăn một lần là nghiện

Khi nhắc đến đặc sản đường phố của Hà Nội thì không thể bỏ qua bún đậu mắm tôm. Người Hà Nội rất giỏi biến tấu các nguyên liệu dân dã thành những món ngon đặc sắc, không cầu kỳ. Bún đậu mắm tôm là một món ăn đơn giản nhưng rất chiều lòng thực khách, bởi chúng ta có thể ăn bất kỳ các buổi trong ngày. Với những nguyên liệu quen thuộc, cùng vào bếp thực hiện cách làm bún đậu mắm tôm ngon hết sẩy, ăn là nghiện.

bun dau mam tom

I. Nguyên liệu để thực hiện cách làm bún đậu mắm tôm

  • 300gr bún tươi.
  • 500gr đậu phụ (tầm 3 bìa).
  • 300gr thịt chân giò rút xương.
  • 300gr thịt heo ba chỉ.
  • 300gr chả cốm.
  • 50gr mắm tôm.
  • 500gr phèo non.
  • 100gr huyết.
  • 300gr bao tử
  • 1 cái lưỡi heo.
  • 2 trái ớt.
  • 2 quả dưa leo.
  • 2 trái chanh.
  • Rau ăn kèm: tía tô, húng quế, diếp cá, xà lách tuỳ yêu thích
  • Gia vị: hành, tỏi, sả, gừng, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn,...

nguyen lieu lam bun dau mam tom

II. Trổ tài cách làm bún đậu mắm tôm đúng chuẩn

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Gan: Sau khi mua về rửa thật sạch với nước nhiều lần. Bạn có thể bóp chúng với giấm, chanh và muối để khử mùi tanh.    
  • Phèo non: Có thể dùng hỗn hợp bột mỳ với muối để khử mùi hoặc sử dụng muối hột và chanh, chà sát bề mặt phèo non rồi rửa sạch lại với nước nhiều lần. Hoặc, chần sơ phèo non với nước sôi pha giấm khoảng 7 phút.
  • Bao tử heo: Sau khi rửa sạch dưới vòi nước thì lộn ngược bao tử lại và tiếp tục rửa. Sử dụng muối, chà sát bao tử để bớt chất nhớt. Sau đó, chần bao tử qua nước sôi pha với giấm, muối và rượu. Bao tử sau khi chần cần cạo những mảng trắng bám xung quanh và để ráo.
  • Lưỡi heo: Chần sơ qua nước sôi, sau đó cạo phần màng trắng bọc quanh và xả lại với nước nhiều lần. Lưỡi heo cũng có thể được làm sạch bằng muối hoặc rượu.
  • Thịt heo, thịt chân giò: Chà sạch với muối, ngâm 5 phút và rửa lại bằng nước lạnh. Với chân giò rút xương, bạn có thể dùng lạt để buộc thịt lại thành khối hình tròn.
  • Dưa leo: Rửa sạch, cắt lát vừa ăn. Nhặt lá và rửa sạch các loại rau ăn kèm.
  • Đậu phụ: Rửa qua nước lạnh, cắt thành từng miếng vừa ăn. Đậu phụ sau khi rửa nên để ráo hoặc thấm nước thì khi chiên sẽ không bị văng dầu.

Bước 2: Chế biến

  • Nguyên liệu sau khi sơ chế xong, bạn bắt đầu cho thịt heo và lưỡi vào luộc khoảng 30 phút ở lửa vừa. Khi vớt thịt và lưỡi đã chín ra thì cho huyết vào luộc sơ. Phần thịt và lưỡi cho vào nước đá lạnh để nó được giòn hơn.
  • Thịt chân giò luộc chần sơ qua nước sôi rồi thay nước và luộc khoảng 30 phút. Khi luộc bạn nên cho nước ngập chân giò, thêm 1 thìa nước mắm, tiêu, hành, sả và gừng để khử mùi và thịt đậm vị. Thịt vừa chín tới thì bạn vớt ra và dội nước sôi để nguội, để ráo và cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút. Như thế, thịt chân giò sẽ săn lại và giòn khi ăn. Hoặc, khi sơ chế bạn có thể ướp sơ chân giò với gia vị và buộc lại, như thế thịt ngấm gia vị, đậm đà hơn nữa.
  • Phần gan, dạ dày và phèo non khi luộc bạn nên cho thêm 1 thìa cafe muối, gừng đập dập để khử mùi. Lưu ý đối với luộc lòng là bạn nên thả lòng vào nồi khi nước sôi bùng lên. Luộc tầm 10 phút thì vớt ra thau nước đá pha sẵn cốt chanh. Lòng khi chế biến như vậy sẽ giữ được độ giòn và trắng.
  • Sau khi làm nóng chảo, bạn cho dầu ăn hoặc mỡ vào để chiên chả cốm. Chả cốm là thành phần tạo nên nét đặc trưng của món bún đậu mắm tôm. Chiên chả cốm với lửa nhỏ đến khi chín và vàng đều các mặt.
  • Đậu phụ chiên vàng giòn các mặt, thấm dầu. Bạn nên chiên đậu cuối cùng để khi lên mẹt thì đậu vẫn còn nóng và giòn.

so che nguyen lieu

Bước 3: Pha mắm tôm ngon đúng chuẩn

Nếu chả cốm là nét đặc trưng của món ăn này thì mắm tôm chính là phần không thể thiếu của bún đậu. Để có chén mắm tôm ngon, bạn cho 1 muỗng đường, bột ngọt cùng tỏi ớt băm nhuyễn vào 2 muỗng mắm tôm.

Tùy theo khẩu vị của gia đình mà thêm thắt gia vị. Sau đó bạn vắt chanh hoặc tắc vào, đánh bông lên là xong. Thực ra, công thức pha mắm tôm đều ước chừng, quan trọng nhất là phải có đường và chanh thì chén mắm tôm mới tròn vị. Nếu như bạn cảm thấy mắm tôm khá nồng thì có thể cho thêm chút rượu. Trước khi ăn, bạn nên rưới thêm ít dầu nóng để chén mắm hấp dẫn hơn.

Yêu cầu thành phẩm khi áp dụng cách làm bún đậu mắm tôm này

  • Thịt heo, thịt chân giò cắt thành từng miếng mỏng. 
  • Lưỡi, bao tử, huyết, phèo non thì cắt thành từng miếng vừa ăn.
  • Bún tươi cắt khúc vừa ăn.
  • Sau khi lót lá chuối lên mẹt hoặc khay lớn, lần lượt xếp bún tươi, thịt, lòng heo, chả cốm, đậu khuôn, rau ăn kèm xung quanh. Chính giữa đặt chém mắm tôm là hoàn thành.
  • Mẹt bún đậu dễ làm, nhanh chóng nhưng cũng rất hấp dẫn. Đậu phụ nóng hổi ăn kèm với bún tươi, rau sống chấm thêm mắm tôm ngậy mùi sẽ khiến bạn không thể thất vọng. 

cach nau bun dau mam tom

III. Một số tips khi chọn mua nguyên liệu

Phèo non nên chọn phần có ống ruột căng, tròn và màu tươi sáng. Khi bóp phèo thì có chất dịch màu trắng và không có mùi hôi xông lên.

Bao tử heo ngon thường có màu hồng tươi, bề mặt không có vết bầm hoặc phồng. Bao tử có độ đàn hồi, không lợn cợn hoặc nhiều hạch. Bạn không nên mua bao tử đông lạnh, khi chế biến không được giòn và thơm ngon như thực phẩm tươi.

Lưỡi heo ngon là phần sát cuống họng, bề mặt tươi và có độ đàn hồi. Hạn chế những lưỡi heo có màu sắc trắng hoặc bầm.

Thịt heo tươi ngon có phần mỡ trắng đục, phần thịt đỏ tươi. Bề mặt khô ráo, thớ thịt rõ và đan xen nhau. Thịt để lâu bề mặt sẽ chảy nhớt, tím tái và có mùi hôi.

Đậu phụ ưu tiên chọn đậu phụ tự làm thủ công sẽ ngon hơn.

Chân giò nên chọn chân giò có da màu hồng nhạt, thịt có màu đỏ tươi, bề mặt hơi se và khô ráo.

Bún đậu mắm tôm có thể là món ăn vặt, ăn chơi hoặc ăn no đều được. Cách làm bún đậu mắm tôm rất đơn giản để trổ tài ngay tại nhà đúng không nào? Điểm nhấn ở bát mắm tôm được đánh bông lên, ăn kèm với nhiều loại thịt, chả cốm và rau sẽ tránh cảm giác gây ngán. Ăn một miếng cứ muốn ăn thêm miếng nữa, miếng nữa và gây nghiện từ bao giờ. Còn chần chờ gì nữa mà không vào bếp thực hiện ngay và tận hưởng cảm giác quây quần bên gia đình.

Bài viết nên đọc