Danh từ là gì? Kiến thức cần nắm vững về danh từ để tránh nhầm lẫn

Tiếng Việt rất phong phú và được chia thành nhiều từ loại khác nhau. Danh từ là một trong số những từ loại cơ bản và quan trọng của ngôn ngữ. Nó được sử dụng rộng rãi với nhiều chức năng khác nhau. Vậy danh từ là gì? Cần nắm vững những kiến thức nào của danh từ? Câu trả lời ngay bên dưới.

I. Danh từ là gì?

Danh từ là những từ dùng để chỉ sự vật, sự việc, đơn vị, hiện tượng, khái niệm… và cả người. Danh từ có thể giữ nhiều chức vụ trong câu như chủ ngữ, vị ngữ hoặc bổ ngữ.

danh tu la gi

Ví dụ về danh từ:

  • Danh từ chỉ người: ông, bà, ba, mẹ, cô, cậu, anh, chị…
  • Danh từ chỉ vật: bàn, ghế, máy tính, con chó, hoa nhài, cà rốt…
  • Danh từ chỉ hiện tượng: sấm chớp, động đất, chiến tranh, nghèo khổ…

Vai trò của danh từ

Về cơ bản danh từ được sử dụng với 3 mục đích chính:

1. Kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía trước hoặc từ chỉ định lượng ở phía sau hoặc một số từ ngữ khác để hình thành cụm danh từ.

Ví dụ: 1 đàn gà, 2 bông hoa…

2. Đảm nhiệm chức năng là chủ ngữ, vị ngữ và tân ngữ cho ngoại đồng trong câu

Ví dụ:

  • Bầu trời trong xanh. (Bầu trời là danh từ và có vai trò là chữ ngữ của câu).
  • Cô ấy là giáo viên. (Giáo viên là danh từ và có vai trò là vị ngữ của câu).
  • Em ấy đang tập lái xe máy (Xe máy là danh từ và có vai trò tân ngữ cho ngoại động từ).

3. Mô tả hoặc xác định vị trí của vật trong không gian hoặc thời gian xác định.

II. Các loại danh từ trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt, danh từ được chia thành 2 nhóm lớn là danh từ riêng và danh từ chung.

1. Danh từ riêng là gì?

Danh từ riêng là danh từ chỉ tên người của người, tên của địa danh, tờ báo, thương hiệu, vùng đất… cụ thể.

Danh từ riêng được viết hoa ở chữ cái đầu mỗi âm tiết. Đây là dấu hiệu để phân biệt danh từ riêng và những từ ngữ khác.

Ví dụ:

  • Tên riêng của người: Hoa, Nam, Sơn…
  • Tên vùng đất: Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Hà Nội…
  • Tên một địa danh: cầu Thê Húc, cầu Rồng, núi Chúa, đảo Lý Sơn…
  • Tên lãnh thổ: Việt Nam, Thái Lan, Lào…
  • Tên thương hiệu: báo Thanh Niên, tiệm bánh Đồng Tiến,...

2. Danh từ chung là gì?

Danh từ chung là những từ chỉ tên gọi chung của một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó.

Danh từ chung được chia thành các nhóm sau:

Danh từ cụ thể: Là danh từ chỉ sự vật có thể cảm nhận thông qua các giác quan (nghe, nếm, ngửi, nhìn, chạm).

Ví dụ: khoai tây, nước mắt, sấm, mưa, sách, vở, bút, xe máy…

Danh từ trừu tượng: Là danh từ chỉ sự vật mà con người không thể cảm nhận được thông qua các giác quan. Danh từ trừu tượng bao gồm danh từ chỉ cảm giác, cảm xúc, trạng thái, chất lượng, khái niệm, sự kiện…

Ví dụ: tình yêu, đau khổ, hạnh phúc, lo lắng, thông minh, từ thiện, học kỳ, sinh nhật…

Danh từ chỉ hiện tượng: Là danh từ chỉ sự việc được xảy ra ở không gian và thời gian con người nhận biết được. Danh từ hiện tượng gồm danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên và danh từ chỉ hiện tượng xã hội.

Ví dụ:

  • Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên: nắng, mưa, bão, sấm, gió, hạn hán, động đất,...
  • Danh từ chỉ hiện tượng xã hội: chiến tranh, lạm phát, giàu có, nghèo đói,...

Danh từ chỉ khái niệm: Là danh từ mô tả các khái niệm trừu tượng, không có hình thù xác định. Chúng chỉ tồn tại trong nhận thức của chúng ta và không thể cảm nhận được bằng giác quan. Vậy nên không thể cụ thể hoá hoặc vật chất hoá những danh từ chỉ khái niệm được.

Ví dụ: thái độ, mục đích, thói quen, cách mạng, đạo đức,...

Danh từ chỉ đơn vị: Là từ dùng để chỉ đơn vị của sự vật để ta có thể ước lượng hoặc xác định được khối lượng, chiều dài,... của sự vật. Danh từ chỉ số lượng được chia làm nhiều nhóm nhỏ.

Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên: Chỉ số lượng của sự vật, con vật và thường được sử dụng trong giao tiếp.

Ví dụ: cái, cây, nắm, mớ,...

Danh từ chỉ đơn vị chính xác: Xác định được trọng lượng, kích thước… của sự vật và có tính chính xác tuyệt đối.

Ví dụ: gram, kilogram, tạ, yến, tấn, lít, mét, hecta,...

Danh từ chỉ thời gian: Xác định các khái niệm về thời gian.

Ví dụ: giây, phút, giờ, ngày, tháng, quý, năm, thập kỷ, thế kỷ…

Danh từ chỉ đơn vị ước lượng: Không xác định được số lượng cụ thể và có tính tương đối về độ chính xác.

Ví dụ: tấm, nhóm, ổ, đàn,...

Danh từ chỉ tổ chức: Chỉ tên các tổ chức hoặc đơn vị hành chính. Ví dụ: đường, khu phố, thôn, xã, huyện, quận, tỉnh, thành phố…

III. Phân biệt danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng

Trong số các loại danh từ thì danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng dễ bị nhầm lẫn nhất. Để phân biệt được 2 loại danh từ này, Bạn cần lưu ý một số mẹo dưới đây:

1. Ý nghĩa

  • Danh từ cụ thể chỉ về người, địa điểm, sự vật
  • Danh từ trừu tượng nói về ý tưởng, khái niệm

2. Sự hữu hình

  • Danh từ cụ thể có thể cảm nhận thông qua cầm, nắm, sờ, nghe, nhìn
  • Danh từ trừu tượng không thể cảm nhận qua các giác quan bởi nó vô hình

3. Khả năng tương thích

  • Danh từ cụ thể có thể là danh từ riêng, danh từ chung, danh từ đếm được hoặc danh từ không đếm được
  • Danh từ trừu tượng chỉ có thể là danh từ chung và không đếm được.

IV. Cụm danh từ là gì?

Cụm danh từ được hình thành bởi danh từ đi liền với một số từ ngữ phụ thuộc nó để diễn đạt ý nghĩa được đầy đủ hơn. Cụm danh từ được sử dụng trong câu như danh từ.

cum danh tu

Cụm danh từ có cấu tạo như sau:

Phần phụ trước - phần trung tâm - phần phụ sau.

  • Phụ ngữ ở phía trước bổ sung ý nghĩa cho danh từ về mặt số lượng: tổng số lượng (những, nhiều, cái…) và số lượng cụ thể (2, 3,...)
  • Phần trung tâm thường gồm 2 từ với từ thứ nhất là đơn vị tính toán, đối tượng chung và từ thứ hai là đối tượng cụ thể.
  • Phụ ngữ ở phía sau nêu ra đặc điểm của sự vật, sự việc mà danh từ đang miêu tả. Hoặc nó có thể giúp xác định được vị trí của vật trong phạm vi không gian, thời gian xác định.

Ví dụ: 

  • Đám mây (danh từ) => Những đám mây (cụm danh từ)
  • Lớp học (danh từ) => Tất cả lớp học
  • Bông hoa (danh từ) => Bông hoa ấy (cụm danh từ)
  • Chó (danh từ) => Con chó trắng (cụm danh từ)

Giờ thì Bạn đã nắm rõ danh từ là gì và phân chia chính xác chúng như thế nào đúng không nào? Nắm vững và hiểu rõ danh từ để tránh nhầm lẫn nhé.

Bài viết nên đọc