Câu ghép là gì? Tổng quan kiến thức về câu ghép và các ví dụ điển hình

Từ có từ đơn, từ ghép thì câu cũng có câu đơn, câu ghép. Bài viết hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về câu ghép là gì, những kiến thức cơ bản liên quan đến câu ghép, cách phân loại và cách nối các vế câu ghép với nhau.

Câu ghép là một trong những nội dung bài học cần thiết cho các bạn học sinh tiểu học để hiểu rõ hơn về tiếng Việt. Các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu qua để có thể giảng dạy cho con em được tốt hơn.

I. Câu ghép là gì? Khái niệm câu ghép trong tiếng Việt

Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại, mỗi vế câu có cấu tạo đầy đủ một cụm chủ ngữ - vị ngữ như câu đơn. Mỗi vế câu thể hiện một ý nghĩa và có quan hệ chặt chẽ với các vế còn lại trong câu. Câu ghép phải có từ hai cụm chủ - vị trở lên và các cụm chủ vị này không bao chứa nhau.

Câu ghép là gì?

Câu ghép được sử dụng để liên kết nhiều vấn đề có quan hệ với nhau về ý nghĩa. Sử dụng câu ghép giúp câu văn nhẹ nhàng uyển chuyển hơn, có giá trị truyền cảm hơn là dùng nhiều câu đơn.

II. Các loại câu ghép trong tiếng Việt

Dựa vào mối quan hệ giữa các vế trong câu, câu ghép được chia làm 3 loại là câu ghép chính phụ, câu ghép đẳng lập, câu ghép hỗn hợp.

1. Câu ghép chính phụ

Câu ghép chính phụ có các vế câu được chia thành mệnh đề chính và mệnh đề phụ, các mệnh đề phụ thuộc vào nhau và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Quan hệ của mệnh đề chính với mệnh đề phụ có thể là quan hệ nguyên nhân, kết quả; quan hệ mục đích, điều kiện; quan hệ tương phản; quan hệ tăng tiến,...

Sơ đồ hoá câu ghép

Các mệnh đề chính và mệnh đề phụ được liên kết với nhau bằng các quan hệ từ hoặc từ nối.

Ví dụ: Giáng Sinh càng đến gần, tiết trời ngày càng lạnh.

→ Mối quan hệ tăng tiến giữa hai mệnh đề, liên kết với nhau qua phó từ “càng”.

Ví dụ: Vì sự bùng phát của đại dịch Covid mà ngành du lịch - dịch vụ gặp nhiều khó khăn.

→ Mối quan hệ nhân - quả giữa hai mệnh đề, liên kết với nhau qua cặp quan hệ từ “vì - nên”.

Ví dụ: Nếu nghe lời tớ nói, thì cậu đã không có hậu quả như ngày hôm nay.

→ Mối quan hệ điều kiện giữa hai mệnh đề, liên kết với nhau qua cặp quan hệ từ “nếu - thì”.

2. Câu ghép đẳng lập

Câu ghép đẳng lập có các vế trong câu đứng ngang nhau về nghĩa và vai trò trong câu. Các mệnh đề trong câu thường để diễn đạt mối quan hệ liệt kê, lựa chọn hoặc quan hệ tương đồng.

Ví dụ: Đứa đọc truyện, đứa chơi game, đứa thì nằm bò ra bàn mà ngủ.

→ 3 vế trong câu ghép đẳng lập chỉ quan hệ liệt kê.

Ví dụ câu ghép đẳng lập

3. Câu ghép hỗn hợp

Câu ghép hỗn hợp là câu ghép tạo thành từ câu ghép chính phụ và câu ghép đẳng lập.

Ví dụ: Anh ấy nhận được thông báo trúng tuyển vào công ty, cả nhà ai cũng vui vì anh ấy đã thất nghiệp cả năm trời rồi.

→ 2 vế câu có quan hệ chính phụ là “cả nhà ai cũng vui” và “anh ấy đã thất nghiệp cả năm trời rồi.” được nối với nhau bởi từ quan hệ “vì”. 2 vế câu có quan hệ đẳng lập liệt kê là “anh ấy nhận được thông báo trúng tuyển vào công ty” và “cả nhà ai cũng vui”.

III. Các vế trong câu ghép nối với nhau bằng cách nào?

Có 3 cách để nối các vế trong câu ghép lại với nhau. Tùy vào ý nghĩa và mối quan hệ giữa các vế câu khác nhau mà chúng ta sử dụng cách nối cho phù hợp.

Cách nối các vế trong câu ghép

1. Nối trực tiếp

Nối các vế trong câu ghép bằng cách trực tiếp là cách nối không dùng từ nối hay cặp quan hệ từ mà chỉ sử dụng dấu phẩy để ngăn cách các vế với nhau.

Ví dụ: Gió thổi, mây bay, ánh trăng treo trên đầu ngọn tre.

2. Nối bằng các cặp từ hô ứng

Các cặp từ hô ứng được sử dụng trong câu ghép như: càng… càng, bao nhiêu… bấy nhiêu, nào… đấy, vừa… đã, vừa… vừa, chưa… đã, đâu… đấy, ai… nấy,...

Ví dụ:

Mưa càng to, nước lũ càng dâng cao.
Tay phải vừa viết bài, tay trái vừa cầm bánh mì cho vào miệng.
Anh ta đi đâu, cô ấy theo đấy.
Trời còn chưa sáng tỏ, anh ấy đã phải thức dậy chuẩn bị bắt đầu công việc.

3. Nối bằng quan hệ từ

Các quan hệ từ và cặp quan hệ từ để nối các vế trong câu ghép biểu thị những mối quan hệ nhất định.

  • Quan hệ từ “hay”, “hoặc” được dùng để chỉ quan hệ lựa chọn.
  • Quan hệ từ “và”, “rồi” được dùng để chỉ quan hệ liệt kê,...
  • Cặp quan hệ từ “vì… nên” hoặc một quan hệ từ “vì” hoặc “nên” được dùng để biểu thị mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. 
  • Cặp quan hệ từ “tuy… nhưng” hoặc một quan hệ từ “tuy” hoặc “nhưng” được dùng để biểu thị mối quan hệ tương phản
  • Cặp quan hệ từ “chẳng những… mà còn” được dùng để biểu thị mối quan hệ tăng tiến.
  • Cặp quan hệ từ “nếu… thì” được dùng để biểu thị mối quan hệ điều kiện - kết quả

Ví dụ: Cô ấy cắm cúi viết viết vẽ vẽ rồi cô ấy lại hì hục xóa xóa tẩy tẩy. Hôm nay, cậu và cô ấy phải đi xem phim cùng nhau hoặc cả hai người không còn cơ hội để đi xem phim về sau nữa.

Bài tập về câu ghép

IV. Câu phức và câu ghép khác nhau như thế nào?

Như đã nói chi tiết ở trên, câu ghép là câu có từ hai cụm chủ - vị trở lên và mỗi cụm chủ - vị không bao hàm trong nhau. Các vế trong câu ghép là một cụm chủ - vị và chúng phải có mối quan hệ với nhau về ý nghĩa.

Câu phức là một dạng câu đơn phức tạp. Nó có một cụm chủ - vị chính và một hoặc nhiều cụm chủ - vị phụ. Các cụm chủ - vị chính được bao hàm trong chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu phức. Khác với câu ghép hỗn hợp, mỗi một vế câu chính phụ hay vế câu đẳng lập đề độc lập với nhau và chỉ có liên hệ với nhau về mặt ý nghĩa.

Ví dụ: Anh hãy nhớ kỹ chuyện tôi đã nói với anh chiều hôm qua.

→ Đây là một câu phức có chủ ngữ chính là “anh”, vị ngữ chính là “hãy nhớ kỹ chuyện tôi đã nói với anh chiều hôm qua”. Chủ ngữ phụ là “tôi” và vị ngữ phụ là “đã nói với anh chiều hôm qua”.

→ Cụm chủ - vị phụ là phần bổ sung cho vị ngữ chính, được bao hàm trong vị ngữ chính.

Các giải đáp tổng quan cho câu hỏi “câu ghép là gì?” trên đây sẽ giúp ích nhiều cho các em học sinh và phụ huynh trong việc tìm hiểu, ôn tập về câu ghép trong tiếng Việt. Phân loại câu ghép, mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép, điểm khác biệt giữa câu ghép và câu phức,... phụ huynh hãy đưa thêm nhiều ví dụ để các em dễ hiểu hơn.

Bài viết nên đọc