Từ phức là gì? Toàn tập các khái niệm liên quan đến từ phức trong tiếng Việt

Từ là thành phần cơ bản nhất để cấu tạo nên câu. Dựa theo cấu tạo, từ được phân loại thành từ đơn và từ phức. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về từ đơn, từ phức là gì cũng như giải đáp những vướng mắc liên quan đến các khái niệm như từ ghép, từ láy.

I. Từ đơn là gì?

1. Định nghĩa

Từ đơn là đơn vị được tạo nên bởi một tiếng và có nghĩa ngay cả khi nó đứng một mình. Ví dụ như: đi, đứng, bàn, ghế, học, đóng,...

2. Phân loại từ trong cấu trúc tiếng Việt

Trong đó, tiếng cấu tạo nên từ gồm 3 phần là âm, vần và thanh.

  • Âm gồm có 11 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư và 22 phụ âm đơn và phụ âm kép
  • Vần gồm vần âm đệm, vần âm chính và vần âm cuối
  • Vần âm đệm gồm o và u được ghép thành oa, oă, oe, oi, uy, uâ, uê
  • Vần âm chính gồm 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi là iê, uơ, uô
  • Vần âm cuối gồm phụ âm cuối: p, t, c, m, n, ng, nh, ch và 2 bán âm cuối i, y
  • Thanh gồm 6 thanh: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và thanh ngang hay thanh không.

Phân loại từ trong cấu trúc tiếng Việt

Từ đơn được chia ra thành từ đơn đa âm tiết và từ đơn một âm tiết. Từ đơn một âm tiết là những từ chỉ gồm 1 tiếng và có ý nghĩa như sách, vở, ăn, uống,...

Từ đơn đa âm tiếng là những từ phiên âm tiếng nước ngoài, mỗi âm tiết được ngăn cách với nhau bởi dấu gạch nối “-”. Mỗi tiếng trong từ đơn đa âm tiết khi tách riêng ra thì không có nghĩa. Từ đơn đa âm tiết không phải là từ ghép hay từ láy.

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài sử dụng tiếng Việt, chúng ta tự hiểu được ý nghĩa và từ gốc tiếng nước ngoài của chúng nên thường không còn ghi dấu gạch nối ở giữa chúng nữa. Do đó, chúng ta cần lưu ý để tránh nhầm lẫn với từ ghép hoặc từ láy.

Ví dụ: radio sẽ thay cho ra-di-o, ti vi sẽ thay cho ti-vi, (bánh) gato thay cho ga-tô, photo thay cho pho-to, ô tô thay cho ô-tô,... 

Rất nhiều từ tiếng Việt được mượn từ nước ngoài

II. Từ phức là gì?

1. Định nghĩa

Từ phức là đơn vị được tạo nên bởi hai hay nhiều tiếng. Mỗi tiếng tạo thành từ phức có thể có nghĩa và không có nghĩa. Từ phức được tạo thành bằng cách ghép từ tạo thành từ ghép hoặc láy từ tạo thành từ láy.

Từ phức là gì?

2. Phân loại từ phức

Dựa vào phương thức tạo thành mà từ phức được chia thành 2 loại là từ ghép và từ láy.

2.1 Từ ghép

Từ ghép được tạo thành bằng việc ghép các tiếng có nghĩa riêng biệt lại với nhau. Từ ghép thường gặp là loại có 2 tiếng, được phân thành từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

  • Từ ghép đẳng lập tạo bởi các tiếng đều có nghĩa và có vị trí ngang nhau trong từ ghép được tạo thành. Ví dụ: áo quần, sách vở, bàn ghế,...
  • Từ ghép chính phụ tạo bởi hai tiếng mà một tiếng là chính và một tiếng là phụ thuộc vào tiếng chính hoặc không có nghĩa. Ví dụ: xe khách, xe máy, tàu hỏa, tàu bay,... có tiếng chính là “xe”, “tàu”, tiếng phụ còn lại phụ thuộc và bổ nghĩa cho tiếng chính. Ví dụ: chợ búa, bếp núc,... có tiếng chính là “chợ”, “bếp”, tiếng phụ còn lại không có nghĩa.

Từ ghép được phân thành 2 loại

Ngoài ra, chúng ta còn có một số từ ghép đặc biệt mà không có quan hệ đẳng lập hay chính phụ. Chúng là những từ vay mượn như: mì chính, xà phòng,... hoặc từ ghép thuần việt như tắc kè, bù nhìn, bồ hóng,...

2.2 Từ láy

Từ láy được tạo thành bằng việc lặp lại âm đầu, vần, âm và vần có thanh hoặc âm và vần không thanh.

Dựa vào số lượng tiếng tạo thành, từ láy được chia thành từ láy 2 tiếng và từ láy 3 tiếng trở lên.

  • Từ láy hai tiếng: mềm mại, xấu xí, hấp tấp, rì rầm, mỏng manh,...
  • Từ láy ba tiếng trở lên: sạch sành sanh, sát sàn sạt, nhí nha nhí nhố, hớn ha hớn hở, rì rà rì rầm,...

Phân loại từ láy như thế nào?

Dựa vào cách lặp lại bộ phận của từ, từ láy được chia ra thành 2 loại là từ láy bộ phận và từ láy toàn bộ.

Từ láy bộ phận là từ láy được tạo thành bằng cách lặp lại một bộ phận của từ như lặp âm đầu hoặc lặp vần.

Ví dụ: từ láy lặp âm đầu: đẹp đẽ, nhanh nhẹn, hóm hỉnh,.... Từ láy lặp vần: phân vân, láu táu,...

Từ láy toàn bộ là từ láy được tạo thành bằng cách lặp lại cả âm và vần.

Ví dụ: xinh xinh, đo đỏ, ngoan ngoãn,...

Sơ đồ từ láy

Trường hợp đặc biệt, từ mang hình thức của từ láy nhưng lại được xếp vào nhóm từ ghép. Ví dụ: mơ mộng, thúng mủng, phẳng lặng, hoan hỉ, bình minh, hảo hạng,...

III. Các cách để phân biệt từ ghép và từ láy

Như đã nói ở trên, có một số từ ghép có dạng đặc biệt, nó mang hình thức của từ láy nhưng lại là từ ghép vì từng từ đều có nghĩa. Như vậy, khi làm các bài tập về phân loại từ ghép hay từ láy, bạn đọc hãy thử các cách sau.

Cách 1: Đảo lộn vị trí các tiếng trong từ

Đảo lộn vị trí các tiếng trong từ với nhau, nếu từ mới tạo thành vẫn có nghĩa thì đó chính là từ ghép. Nếu từ mới tạo thành không có nghĩa thì chính là từ láy.

Ví dụ:

  • Từ “hấp tấp” đảo tiếng được từ “tấp hấp” không có nghĩa nên nó là từ láy.
  • Từ “bé bỏng” đảo tiếng được từ “bỏng bé” không có nghĩa nên nó là từ láy.
  • Từ “tối tăm” đảo tiếng được từ “tăm tối” vẫn có nghĩa nên nó là từ ghép. Tương tự như giữ gìn, thẫn thờ, mờ mịt,... đều là từ ghép.

Ví dụ từ láy và từ ghép

Cách 2: Xem xét thành phần tiếng tạo thành

Trong thành phần của từ có 1 hoặc 2 tiếng là từ Hán Việt thì nó chính là từ ghép.

Ví dụ: minh mẫn, tử tế, tương tư,...

Cách 3: Xem xét nghĩa của tiếng tạo thành

Từ có hai tiếng mà cả hai tiếng đều có nghĩa thì nó được xếp vào dạng từ ghép cho dù mang hình thức của từ láy. Ví dụ: máu mặt, trai trẻ, che chắn,...

Nếu từ mang hình thức từ láy có hai tiếng mà một tiếng có nghĩa và tiếng còn lại không có nghĩa thì là từ láy âm. Ví dụ: đau đớn, ngất ngây, lạnh lẽo,...

Không phải tự nhiên mà chúng ta vẫn nghe rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Chỉ mỗi lý thuyết về từ thôi cũng đã lắm phức tạp và quy tắc. Bài viết với những thông tin giải đáp từ phức là gì và các nội dung liên quan về từ đơn, từ ghép, từ láy khá tổng quan và đầy đủ.

Hy vọng, bạn đọc có thể dễ dàng ôn tập lại hệ thống từ ngữ tiếng Việt để vượt qua “phong ba bão táp này”.

Bài viết nên đọc