Ca dao tục ngữ là gì? Phân biệt ca dao, tục ngữ với thành ngữ, dân ca

Ca dao, tục ngữ trong văn học dân gian Việt Nam là cả một kho tàng đồ sộ. Những câu ca dao, tục ngữ đơn sơ, giản dị được truyền từ đời này sang đời khác và ngày càng phong phú hơn. Đây chính là niềm tự hào của dân tộc về một đất nước đầy văn chương và tính thi sĩ.

I. Ca dao là gì?

Ca dao là một từ Hán Việt, trong đó “ca” có nghĩa là bài hát có giai điệu, có chương khúc còn “dao” có nghĩa là bài hát ngắn không có chương khúc hay giai điệu. Vậy ca dao là những câu hát không có giai điệu hay chương khúc nhất định.

Ca dao tục ngữ là gì?

1. Nội dung của ca dao

Ca dao vốn là những sáng tác và truyền miệng bởi những người dân lao động với nhau và truyền lại cho đến ngày nay. Cho nên, phần lớn các bài ca dao diễn tả đời sống tinh thần của người lao động: có than thân, có cay đắng, có hạnh phúc, có vui vẻ,...

Đó là những tư tưởng và tình cảm về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước,... Đó chính là tiếng lòng của người lao động muốn cất lên, muốn truyền đạt cho nhiều người bằng một cách đầy chất thơ.

2. Nghệ thuật của ca dao

Phần lớn các bài ca dao được thể hiện bằng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Từ ngữ được sử dụng trong các bài ca dao luôn gần gũi, giản dị và cô đọng nên rất dễ nhớ.
Cách diễn đạt của ca dao đậm chất dân gian nhưng cũng giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ nên mang giá trị nghệ thuật cao.

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam rất đa dạng

3. Phân loại ca dao

Dựa vào nội dung của bài ca dao mà chúng được phân vào trong 7 nhóm sau đây:

Đồng dao là những bài ca dao dành cho nhi đồng, xuất hiện trong các trò chơi của trẻ em

Ví dụ: Bài đồng dao “Nu na nu nống”, “Chi chi chành chành”, “Rồng rắn lên mây”,...

Ca dao về lao động là những kinh nghiệm được đúc kết lại trong quá trình lao động sản xuất của thế hệ trước.

Ví dụ:

Bao giờ đom đóm bay ra,
      Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng.

Ca dao ru con

Ví dụ:

Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ
     Năm canh chầy thức đủ vừa năm
     Hỡi chàng, chàng ơi
     Hỡi người, người ơi,...

Ca dao ru con đi vào tiềm thức những đứa trẻ

Ca dao lễ nghi, phong tục

Ví dụ:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
       Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Ca dao hài hước, trào phúng gồm hai thể loại:

  • Một là ca dao hài hước nhằm mục đích mua vui, thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.
  • Hai là ca dao trào phúng, tính hài hước đặt ra nhằm phê phán thói hư, tật xấu của một số người hoặc tầng lớp người.

Ví dụ:

Làm trai cho đáng sức trai
      Khom lưng, chống gối, gánh hai hạt vừng

Ví dụ:

Chanh chua thì khế cũng chua
      Chanh bán có mùa, khế bán quanh năm

Ca dao trữ tình bao gồm nhiều thể loại tình cảm từ tình yêu đôi lứa đến tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước. 

Ví dụ:

Yêu nhau yêu cả đường đi
      Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng

Ca dao than thân là những tiếng lòng đầy cay đắng tủi nhục, đau khổ cùng cực của một kiếp người lầm than thấp cổ bé họng trong xã hội cũ.

Ví dụ:

Nước non lận đận một mình
  Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
  Ai làm cho bể kia đầy?
  Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

Ca dao than thân Việt xuất nhiều hình ảnh con cò

II. Tục ngữ là gì?

Tục ngữ cũng là một trong số các thể loại văn học dân gian quen thuộc. Chúng là những câu nói ngắn gọn, súc tích và mang đầy đủ ý nghĩa.

1. Nội dung của tục ngữ

Tục ngữ chính là những kinh nghiệm thực tiễn nhiều mặt mà ông cha ta đúc kết được từ tự nhiên, lao động, lời khuyên về cách suy nghĩ, lời ăn tiếng nói,...

2. Nghệ thuật của tục ngữ

Tục ngữ thường ngắn gọn, sử dụng từ ngữ giản dị đậm chất dân gian nên rất dễ hiểu. Đồng thời, tục ngữ cũng rất giàu tính nghệ thuật bởi những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc trong mỗi câu từ. Do đó, các câu tục ngữ luôn có hai nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nghệ thuật của tục ngữ

III. Cách phân biệt ca dao, tục ngữ, thành ngữ, dân ca

Đầu tiên, khác biệt nhất về dễ phân biệt nhất trong 4 thể loại đã nêu trên chính là dân ca. Dân ca là thể loại âm nhạc cổ truyền, một bài hát có giai điệu, chương khúc hoàn chỉnh và cố định.

Các bài dân ca được sáng tác và truyền nhau bởi người dân lao động, hát về tinh thần lạc quan, tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa người với người.

Dân ca có thể phân loại theo vùng miền Bắc - Trung - Nam, theo dân tộc Kinh - Chăm - Hoa,....

Các thể loại nhạc đi kèm với các bài hát dân ca:

  • Nhạc khí: họ hơi (sáo, tiêu,...), họ dây (đàn bầu, đàn nhị,...), họ màng rung (trống cái, trống con,...), họ tự thân vang (mõ, phách,...), hòa tấu
  • Âm nhạc sân khấu: cải lương, tân cổ, bài chòi, chèo, tuồng
  • Âm nhạc lễ nghi: lễ nhạc Phật giáo, hát văn
  • Âm hưởng dân ca khác

Nhạc khí góp phần cho dân ca đặc sắc hơn

Một số bài dân ca quen thuộc ở ba miền:

  • Dân ca Bắc bộ: Trống cơm, Lý cây đa, Bèo dạt mây trôi, Trúc xinh, Người ở đừng về,...
  • Dân ca Trung bộ: Lý thương nhau, Đi cấy, Hò giã gạo, Lý vọng phu, Hát ví, Dặm,...
  • Dân ca Nam bộ: Bắc Kim Thang, Lý cây bông, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu, Lý chiều chiều, Lý con sáo, Lý qua cầu,...

Về ca dao, thành ngữ và tục ngữ, chúng ta có thể dễ dàng phân loại qua các đặc điểm cơ bản dưới đây.

1. Về hình thức

Thành ngữ là một cụm từ hoặc một vế trong câu, không thể đứng riêng thành một câu hoàn chỉnh.

Tục ngữ diễn đạt ý nghĩa trọn vẹn, tự nó có thể đảm đương chức năng của một câu hoàn chỉnh.

Ca dao thường ở thể lục bát hoặc lục bát biến thể và có thể phổ nhiều kiểu nhạc cho chúng tùy người sử dụng.

Dân ca Việt Nam mang đậm nét đẹp làng quê

2. Về nội dung

Thành ngữ thể hiện tính cách, trạng thái, tình thế, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

Tục ngữ là kinh nghiệm, bài học từ cuộc sống thực tiễn

Ca dao thường thông qua sự kiện, hoàn cảnh được nhắc đến để bày tỏ suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của người nói.

Đọc nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ, dân ca,... chúng ta sẽ càng trân trọng hơn nguồn cội của dân tộc. Chúng ta sẽ càng nể phục hơn về tài trí, tinh thần, sức mạnh, tình cảm sâu sắc của người Việt từ xưa đến nay.

Những bài ca dao, tục ngữ, thành ngữ dùng câu chữ súc tích, giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa thâm thúy. Áp dụng những thể loại văn học dân gian này vào cuộc sống ta mới thấy được cái giá trị của nó. Nói dân dã một chút chính là nói hay như hát, mắng người một cách văn nhã, trào phúng người một cách văn nhã,...

Bài viết nên đọc