Dàn ý chuẩn văn mẫu phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu

Lượm là một bài thơ, một câu chuyện ngắn về chú bé đưa thư cùng tên “Lượm”. Em bé nhỏ tuổi đáng yêu ngây thơ nhưng lại dũng cảm vô cùng. Em làm công việc liên lạc cho cách mạng và hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

I. Khái quát về tác giả và tác phẩm Lượm

Tố Hữu là nhà thơ và cũng là chiến sĩ cách mạng chân chính. Thơ ca của ông có sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời làm thơ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Tố Hữu đã dùng thơ ca của mình để cỗ vũ tinh thần của chiến sĩ và nhân dân.

luom

Thơ của Tố Hữu chính là sức mạnh tinh thần, xuyên suốt cổ vũ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của quân dân ta đi đến thắng lợi.

Bài thơ Lượm được sáng tác vào năm 1949, khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ là niềm yêu mến, tự hào và xót xa trước chú bé Lượm còn nhỏ tuổi nhưng đã hy sinh anh dũng vì cách mạng.

II. Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu

Bài thơ Lượm viết về chú bé làm liên lạc cho cách mạng, khi phân tích bài thơ, chúng ta sẽ đi sâu vào hình ảnh nhân vật Lượm dưới ngòi bút của nhà thơ Tố Hữu.

1. Lượm - Cậu bé hồn nhiên, ngây thơ, tinh nghịch

“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”

Hình ảnh chú bé Lượm hiện lên thật chân thực, là cậu em nhỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu và hoạt bát. Dáng người em nhỏ nhắn “loắt choắt” “như con chim chích”, mang bên hông “cái xắc xinh xinh”, đầu đội cái mũ ca lô lệch sang một bên. Em vừa đi vừa huýt sáo, nhảy nhót tung tăng trên con đường.

Những từ láy liên tục được sử dụng để mô tả Lượm, cùng với điệp từ “cái” đem lại gia trị gợi tả đặc sắc. Tám câu thơ nhưng đã vẽ nên được bức chân dung sống động về cậu em trai nhỏ nhắn, đáng yêu, nhanh nhẹn, vô cùng vui vẻ khi được làm nhiệm vụ.

2. Lượm - Cậu bé vô cùng yêu thích công việc liên lạc

“Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà

Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
Thôi chào đồng chí
Cháu đi xa dần”

Tám câu thơ là lời đối thoại của Lượm với nhân vật “chú”, có thể chính là Tố Hữu. Lượm vô cùng thích thú và phấn khởi khi được làm liên lạc. Cháu “vui lắm”, đi làm “thích hơn ở nhà”, cười đến híp mí và đỏ má.

Chưa kịp để “chú” đáp lại, “cháu” đã chào “chú” rồi. “Cháu” còn phải đi làm nhiệm vụ. Cậu em trai nhỏ thốt ra câu nói: “Thôi chào đồng chí” khiến ta cảm thấy được sự chín chắn, trưởng thành, vô cùng có trách nhiệm đối với công việc của mình.

3. Lượm - người lính dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ

“Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề thượng khẩn
Sợ chi hiểm nghèo”

Thông tin liên lạc đang vô cùng gấp nên Lượm không quản hiểm nguy, thân mình nhỏ “vụt qua mặt trận”, mặc kệ đạn bay, nhiệm vụ là trên hết. Lượm là một cậu em nhỏ tuổi nhưng lại có sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm đáng kính phục.

Nhưng rồi Lượm đã ngã xuống trên đường làm nhiệm vụ trên chính cánh đồng lúa vàng hôm nào.

“Bỗng lòe chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi”

Câu thơ vang lên thật đau xót “Thôi rồi, Lượm ơi!” Làm sao có thể tin được, đứa em trai hồn nhiên tinh nghịch vừa nói lời chào đồng chí với mình giây trước đã hy sinh trên mặt trận. Người đồng chí dũng cảm và đầy lòng trách nhiệm ấy hy sinh khi còn quá nhỏ. Thật đau đớn đến tận cùng.

“Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng”

Bốn câu thơ tiếp theo tái hiện lại hình ảnh Lượm lúc hy sinh càng làm cho người đọc thêm xúc động, không kìm được nước mắt. Cậu bé nhỏ nhắn nằm trên lúa, hương lúa xung quanh như mùi hương của đất mẹ, bảo bọc đưa tiễn linh hồn em. Nhưng cho dù đã hy sinh thì linh hồn em vẫn “bay giữa đồng”, ký ức về em vẫn còn đó với quê hương, đất nước.

chu be luom

4. Lượm vẫn sống mãi cùng quê hương đất nước

Hai khổ thơ cuối khép lại bằng hình ảnh em bé hồn nhiên, tinh nghịch ngày nào.

“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”

Cậu em trai nhỏ vẫn sống mãi cùng với quê hương, đất nước. Trên con đường làng quen thuộc, hai bên là ruộng lúa chín vàng, vẫn như ẩn như hiện hình ảnh chú bé liên lạc ngày nào.

Đó là chú bé nhỏ nhắn, mang cái xắc xinh xinh, đầu đội ca lô lệch, nhấp nhô nghênh nghênh, đôi chân thoăn thoắt nhảy nhót, huýt sáo trên đường.

luom ra di

Sự ra đi của em là niềm đau buồn và tiếc thương vô hạn. Trong hoàn cảnh bấy giờ, sự hy sinh của em lại càng làm nên động lực, quyết tâm giết giặc, dẹp hết lũ thực dân tàn ác, báo thù cho em, báo thù cho cả dân tộc đã đổ máu. Mọi người vẫn mãi khắc ghi dáng hình hồn nhiên, tinh thần anh dũng của em mà quyết chiến với kẻ thù. 

III. Những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Lượm

Góp phần thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật Lượm, không thể quên nhắc đến những nghệ thuật ca từ được tác giả sử dụng trong bài thơ.

  • Thể thơ bốn chữ có vần, có nhịp mang tính nhạc
  • Sử dụng từ láy linh hoạt, giàu chất tạo hình, chọn lọc ngôn ngữ phù hợp với hình tượng nhân vật.
  • Câu thơ biểu cảm ngắn gọn và đặc biệt, bộc lộ được chân thực cảm xúc của tác giả trước nhân vật.
  • Thay đổi xưng hô từ “chú bé” sang “chú - cháu” rồi “chú đồng chí”. Mối quan hệ chú cháu thân thiết càng làm nổi bật lên được sự đau đớn, xót xa khi Lượm hi sinh.
  • Xưng hô đồng chí cho thấy Lượm đã là người cháu của cả quân dân Việt Nam. Niềm đau ấy lại nhân lên gấp bội, lấy cơ sở đó để biến đau thương thành hành động, quyết tâm chống giặc.

Qua bài thơ Lượm, Tố Hữu đã thành công xây dựng được chân dung chú bé Lượm nhí nhảnh, đáng yêu và là người lính kiên cường, anh dũng, tràn đầy tinh thần yêu nước và trách nhiệm. Bài thơ cũng là sự yêu quý và xót xa của tác giả trước sự hy sinh của đứa cháu thân thương khi tuổi đời còn quá nhỏ.

Bài viết nên đọc