Biện pháp tu từ là gì? Các loại biện pháp tu từ?

Trong cách diễn đạt và truyền tải cảm xúc, các biện pháp tu từ đóng một vai trò khá quan trọng. Vậy biện pháp tu từ là gì? Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại các biện pháp tu từ nhé!

I. Biện pháp tu từ là gì?

Nếu bạn chưa biết biện pháp tu từ là gì thì đây là cách sử dụng đặc biệt, phổ biến trong cả hai hình thức văn nói và văn viết. Biện pháp tu từ được sử dụng tùy theo ngữ cảnh nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong cách diễn đạt và tạo được ấn tượng với người đọc về một hình ảnh, một câu chuyện hay một cảm xúc trong tác phẩm.

bien phap tu tu

Biện pháp tu từ là một trong những phần kiến thức tiếng Việt quan trọng, thường được xuất hiện trong phần đọc hiểu của đề thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn. Để giành trọn điểm câu này, dấu hiệu nhận biết cũng như tác dụng nghệ thuật của các biện pháp tu từ là điêu quan trọng mà các thí sinh cần nắm vững.

II. Biện pháp tu từ dùng để làm gì?

Biện pháp tu từ giống như một thứ gia vị không thể thiếu trong văn học. Nếu chúng ta biết áp dụng các biện pháp ấy một cách tinh tế và hợp lý thay cho cách diễn đạt thông thường, chắc chắn sẽ gây ấn tượng đối với mọi người xung quanh. Cụ thể, biện pháp tu từ có những tác dụng được liệt kê như sau:

  • Tạo nên các giá trị trong cách biểu đạt, biểu cảm
  • Tăng sức gợi hình của sự vật, hiện tượng, giúp minh hoạ một cách rõ ràng, cụ thể và sinh động hơn
  • Nhằm thu hút người đọc, người nghe
  • Thể hiện sự đa dạng, độc đáo trong từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.
  • Giúp người đọc, người nghe dễ nhớ và tạo được ấn tượng độc đáo.
  • Thể hiện trọn vẹn được tâm tư, tình cảm của tác giả.

Đặc biệt, trong các tác phẩm văn học hiện nay, biện pháp tu từ thường được sử dụng để tăng thêm tính nghệ thuật độc đáo cho tác phẩm.

cac loai bien phap tu tu

III. Các biện pháp tu từ 

1. So sánh

Khái niệm

So sánh là biện pháp đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác, giữa chúng có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho biểu đạt.

Tác dụng

Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật được nhắc tới, giúp câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn với người đọc.

Phân loại

Có hai kiểu so sánh là so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

Ví dụ: Trời tối như mực.

2. Nhân hoá

Khái niệm

Là biện pháp tu từ gọi hoặc tả con vật, đồ vật bằng những từ ngữ vốn để gọi hoặc tả con người, làm cho thế giới loài vật, đồ vật trở nên gần gũi với con người 

Tác dụng

Làm cho sự vật, sự việc trở nên gần gũi và sinh động hơn.

Các kiểu nhân hóa:

  • Trò chuyện với vật như với người
  • Dùng những từ ngữ vốn dùng để chỉ người để chỉ vật
  • Dùng những từ ngữ vốn chỉ hành động, tính chất của người để miêu tả những sự vật không phải con người

Ví dụ: Con sông nhỏ uốn lượn mềm mại như dải lụa biếc vắt qua ngôi làng.

3. Ẩn dụ

Khái niệm

Là phương thức biểu đạt gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác, giữa chúng có nét tương đồng với nhau.

Tác dụng

Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt; mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao gợi những sự liên tưởng ý nhị, sâu sắc

Ẩn dụ được chia thành 4 loại: 

  • Ẩn dụ hình thức
  • Ẩn dụ cách thức
  • Ẩn dụ phẩm chất
  • Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Ví dụ: Ánh nắng giòn tan bao quanh cả khu vườn 
→ “Ánh nắng giòn tan” ý chỉ cảm giác nắng to làm khô cong mọi vật

4. Hoán dụ

Khái niệm

Là biện pháp tu từ dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác, giữa chúng có quan hệ gần gũi.

Tác dụng

  • Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
  • Diễn tả sinh động nội dung thông báo, gợi sự liên tưởng, ý nghĩa thêm sâu sắc.

Các kiểu hoán dụ

  • Lấy bộ phận để chỉ toàn thể
  • Lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng
  • Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật
  • Lấy vật dùng để chỉ người dùng
  • Lấy cái cụ thể để chỉ cái trừu tượng

Ví dụ: “Đầu xanh có tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi”

=> Đầu xanh: chỉ người còn trẻ. Má hồng: chỉ người con gái đẹp. Nói đến thân phận tài hoa nhưng bạc mệnh.

5. Nói quá

Khái niệm

Nói quá là cách nói phóng đại quy mô, mức độ, tính chất của sự vật, sự việc hay hiện tượng có thật trong thực tế. Nói quá không phải là nói khoác, hai khái niệm này là hoàn toàn khác biệt nhưng vẫn thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. 

Tác dụng

Nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho sự vật được miêu tả hoặc hiện tượng được nhắc đến.

Ví dụ: Con đường phía trước chạy thẳng đến tận chân trời
→ phóng đại về quy mô. Cho thấy con đường rất dài.

6. Nói giảm, nói tránh

Khái niệm

Là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt ý nghĩa uyển chuyển và tế nhị hơn.

Tác dụng

Tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề, tránh thô tục, mất lịch sự.

Ví dụ: "Người lính này đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chiến đấu."
→ Dùng từ "hy sinh" thay cho từ "chết"  thể hiện sự trang trọng hơn.

7. Điệp ngữ

Khái niệm

Là một biện pháp tu từ chỉ việc lặp đi lặp lại một từ hoặc một cụm từ, nhằm nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê,…

Tác dụng

  • Để làm nổi bật vấn đề khi muốn nói đến đến.
  • Các dạng điệp từ thường được sử dụng hiện nay gồm: điệp từ nối tiếp, điệp từ chuyển tiếp, điệp từ cách quãng.

Phân loại điệp ngữ

  • Điệp từ
  • Điệp cấu trúc
  • Điệp ngữ vòng
  • Điệp cú pháp - cấu trúc

Ví dụ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” 
→ Nhấn mạnh ý chí tinh thần đoàn kết 

8. Câu hỏi tu từ

Khái niệm

Là thủ pháp nghệ thuật trong đó câu hỏi được đưa ra như một câu trần thuật và mục đích không phải đi tìm câu trả lời.

Tác dụng

Thể hiện cảm xúc.

Ví dụ: Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

9. Liệt kê

Khái niệm

Là biện pháp sắp xếp hàng loạt từ hay cụm từ có thể thông qua cách dùng từ đồng âm hoặc không nhưng cần có chung một ý nghĩa. 

Tác dụng

Diễn tả các khía cạnh hoặc tư tưởng, tình cảm được đầy đủ, rõ ràng, chi tiết nhất đến với người đọc và người nghe.

Ví dụ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
…”

10. Tương phản 

Khái niệm

Là biện pháp tu từ sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau

Tác dụng

Làm nổi bật sự vật, sự việc, hiện tượng được nhắc đến, qua đó làm tăng hiệu quả diễn đạt cho câu văn cuốn hút hơn.

Ví dụ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”
→ Cặp từ tương phản được sử dụng là  “Bán – Mua”.

Đây được xem là những biện pháp tu từ phổ biến nhất trong Văn học. Đặc biệt, đa số các bài kiểm tra đều có câu hỏi: các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn/đoạn thơ là gì và chỉ ra tác dụng của chúng. Vậy nên những ai còn chưa nắm vững khối kiến thức này thì hãy dành chút thời gian để tìm hiểu phần phân tích ở phía trên. Chúc các bạn đạt được kết quả học tập thật tốt nhé!

Bài viết nên đọc