Những kiến thức cơ bản về công cụ tìm kiếm Google cần biết

Công cụ tìm kiếm Google hoạt động hoàn toàn một cách tự động. Google sẽ sử dụng chương trình thu thập các thông tin dữ liệu trên các trang web sau đó thêm vào chỉ mục của họ. Thông thường một số trang web muốn Google lập chỉ mục sớm hoặc Google chưa lập chỉ mục thì họ sẽ thao tác thủ công, thông qua công cụ Google cung cấp.

I. Công cụ tìm kiếm của Google hoạt động như thế nào?

Công cụ tìm kiếm của Google hoạt động theo 3 giai đoạn cơ bản sau:

1. Thu thập dữ liệu

Google sẽ sử dụng chương trình tự động thu nhập và tìm kiếm các đường link trang web mới và những nội dung mới được cập nhật trên web. Sau khi thu thập xong Google sẽ lưu lại trong một danh sách lớn để sử dụng sau.

  • Tiêu đề và mô tả của trang web
  • Dạng dữ liệu trang web cung cấp
  • Từ khoá liên quan
  • Số lượng backlink
  • ...

2. Lập chỉ mục

Sau khi lưu các thông tin đường link trang web thì Google tiếp tục phân tích nội dung thông tin trên các trang web đó rồi lưu lại các thông tin này trong chỉ mục của Google.

Dữ liệu Google thu thập được sẽ được tổ chức lại, sắp xếp thứ tự thông qua thuật toán của Google.

2.1 Google Panda

Thuật toán kiểm soát chất lượng nội dung của website. Những trang web có nội dung chất lượng tốt sẽ được tăng thứ hạng và ngược lại. Một số yếu tố đánh giá chất lượng nội dung: 

  • Nội dung sơ sài, kém chất lượng: Nội dung không chính xác, thiếu thông tin, ít nguồn tin cậy.
  • Nội dung sao chép: Nội dung bị sao chép của các trang web khác hoặc nội dung bị lặp lại quá nhiều lần trên cùng một trang web.
  • Trang web thiếu uy tín, thẩm quyền: Trang web không có thông tin liên hệ, không rõ nguồn thông tin.
  • Content farming: Trang web chứa nhiều nội dung tổng hợp, sao chép từ nhiều website khác chỉ với mục đích tăng thứ hạng trang.
  • Nội dung tự tạo chất lượng thấp: Các nội dung mắc lỗi chính tả, quá ngắn.
  • Tỷ lệ nội dung quảng cáo lớn: Các trang web được tạo nên nhằm chạy quảng cáo với tỷ lệ nội dung quảng cáo lớn hơn nội dung thường.
  • Website bị chặn bởi người dùng: Một số trang bị chặn trực tiếp bởi người dùng trên công cụ tìm kiếm bằng công cụ Chrome browser extension cho thấy trang có nội dung kém, spam.
  • Nội dung không khớp với từ khóa tìm kiếm: Nội dung không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm của người dùng.

2.2 Google Pigeon

Thuật toán này tạo ra để ưu tiên đưa những kết quả tìm kiếm gần vị trí người dùng khi đang thực hiện tìm kiếm. Có nghĩa là khi cùng một từ khoá những ở vị trí khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Mục đích của thuật toán này nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phải hoàn thiện và tối ưu trang web hơn để cạnh tranh vị trí xếp hạng với các doanh nghiệp khác cùng địa phương. 

2.3 Google RankBrain

Thuật toán phân tích hành vi, mục đích tìm kiếm hoạt động của người dùng trên internet rồi từ đó đưa ra kết quả phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng nhất. 

Để nâng cao thứ hạng thì bạn phải hiểu rõ mỗi từ khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau trong việc ưu tiên thứ hạng, đối với những từ khoá liên quan đến kiến thức thì bắt buộc nội dung phải thật sâu, có nguồn chính thống hoặc đối với những từ khoá cập nhật thông tin, dịch bệnh thì cần phải mới, được xác thực.

Uy tín của website cũng rất quan trọng cho nên bạn phải xây dựng website có nội dung chất lượng uy tín tự nhiên và nên chú trọng đào sâu vào chủ đề chính.

2.4 Google Penguin

Thuật toán kiểm tra các đường link dẫn và từ khoá sử dụng. Các trang web mua bán trao đổi backlink kém chất lượng sẽ bị thuật toán trừng phạt, cùng với đó những đường link dẫn thiếu tự nhiên có nội dung không khớp với mô tả đường dẫn từ bên thứ 3 cũng sẽ bị đánh dấu spam.

Ngoài ra những trang web lạm dụng từ khoá, thường hay lặp đi lặp lại từ khoá nhằm thao túng cũng sẽ bị thuật toán này xử lý.

2.5 Google Mobile

Thuật toán này được Google đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người dùng di động tra cứu từ khoá. Bên cạnh chất lượng nội dung, tốc độ tải trang trên thiết bị di động cũng đóng vai trò lớn trong xếp hạng. Điều này thúc đẩy những nhà xây dựng web tối ưu website, tích hợp đa thiết bị, chạy tốt trên các nền tảng di dộng.

2.6 Google Fred

Thuật toán này nhằm giải quyết các website chứa nhiều quảng cáo có nội dung kém chất lượng, không mang lại nhiều giá trị cho người dùng. Các trang web này thường có mục đích kiếm tiền là chính chứ không đem lại giá trị cho người dùng.

Một số nhân tố có thể ảnh hưởng xấu đến website:

  • Hiển thị quảng cáo sai lệch hoặc lừa đảo
  • Hiển thị quảng cáo có khả năng đánh lừa người dùng click chuột
  • Bao phủ bởi những link dẫn, quảng cáo, nội dung kém chất lượng
  • Gặp vấn đề về trải nghiệm người dùng
  • Tích hợp di động kém
  • Nội dung trang sơ sài
  • Lạm dụng quảng cáo

3. Phân phát kết quả tìm kiếm

Khi người dùng gõ từ khoá tìm kiếm trên Google, ngay lập tức Google sẽ phân tích vị trí, ngôn ngữ, thiết bị của người dùng và từ khoá họ tìm kiếm là gì rồi từ đó đưa ra những kết quả phù hợp nhất. Ví dụ khi có một người dùng ở Việt Nam tìm kiếm cụm từ: " cửa hàng hoa tươi đẹp" thì người dùng ở Hàn Quốc và người dùng ở Việt Nam sẽ nhận những kết quả khác nhau.

Lưu ý: Google không nhận tiền để làm tăng thứ hạng cho website, mọi thứ hạng đều do thuật toán của Google quyết định.

II. Cách công cụ tìm kiếm Google sắp xếp trang web

Thông thường quá trình thu thập và sắp xếp dữ liệu của Google diễn ra trong khoảng từ 20 - 50 ngày. Chính vì thế khi có một website mới vừa chia sẻ nội dung công khai trên Google thì Google sẽ cho vào hàng chờ rồi lập chỉ mục sau đó. Tuy nhiên những nội dung mới thường sẽ có thứ hạng không cao, cần được Google phân tích đánh giá trong một thời gian nhất định rồi mới xếp hạng top hoặc không top. Quá trình này diễn ra như sau:

1. Thu thập dữ liệu

Như đã nói ở trên ở giai đoạn này Google sẽ tự động thu thập dữ liệu hoặc chủ website sẽ thao tác thủ công gửi lên cho Google. Từ những thông tin thu thập được Google sẽ lập chỉ mục.

2. Đánh giá dữ liệu

Công cụ tìm kiếm Google bắt đầu sẽ tiến hành phân tích dữ liệu nội dung của website thông qua những yếu tố như: 

  • Cấu trúc website như OnPage, Structure Data, 
  • Nội dung website có hữu ích và giá trị không, nội dung nói về vấn đề gì, ở đâu, ... có những backlink ở những website uy tín khác trỏ về hay không?
  • Kiểm tra trùng lặp nội dung, nếu như nội dung bị trùng lặp thì phạt, xếp hạng thấp.

3. Đánh giá tín hiệu từ người dùng

Quá trình này diễn ra sau khi website đã được Google lập chỉ mục và có thứ hạng, đây là lúc diễn ra quá trình lên xuống thứ hạng.

Google sẽ đánh giá tín hiệu người dùng thông qua các hành động của họ khi tương tác với website thông qua một vài số liệu: 

  • CTR - tỉ lệ nhấp chuột vào website
  • Bounce Rate - tỉ lệ bỏ trang
  • Exit Rate - tỉ lệ thoát trang
  • Time on page - thời gian trên trang
  • ...

4. Xếp hạng nội dung 

Sau khoảng thời gian đủ lâu khoảng 50 ngày thì quá trình đánh giá nội dung của Google tương đối chính xác, lúc này những website giữ được top thường giữ vị trí khá lâu. Để duy trì thứ hạng thì bạn cố gắng cải thiện thêm nội dung, tín hiệu từ người dùng còn nếu website của bạn chưa đạt được thứ hạng cao thì có thể tăng thêm nội dung, audit lại website (kiểm tra tối ưu lại xem có bị chơi xấu, người dùng truy cập vào website của bạn có dể không, thời gian tải trang lâu không, có bị nhiều quảng cáo che mất nội dung không, điểm onpage cao không, ...). Và đẩy thêm nhiều traffic sạch càng tốt ( traffic từ báo lớn, mạng xã hội, ...)

Trên đây là những kiến thức từ kinh nghiệm bản thân mình nên các bạn có thể tham khảo. Nếu các bạn có góp ý cho mình thì hãy gửi vào đây, mình sẵn sàng nhận ý kiến đóng góp từ các bạn.

Ngoc Phuong

Ngoc Phuong - 82 bài viết - Đánh giá:

Có 2 cách học hiệu quả nhất, 1 là nói cho người khác biết thứ bạn mới học được, 2 là nói cho người khác biết thứ bạn sắp quên. Tôi mới học được rất nhiều thứ. Tôi cũng sắp quên rất nhiều thứ.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai