Chợ Viềng họp ngày nào? Lễ hội chợ Viềng Nam Định

Chợ Viềng là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền đặc trưng dịp đầu xuân và có lịch sử lâu dài tại vùng đất Nam Định. Từ lâu, chợ Viềng Nam Giang đã được tin tưởng là một buổi chợ may mắn khởi đầu cho một năm mới. Bởi vậy, chợ có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ với người bản địa mà còn cả với những du khách.

I. Địa điểm và thời gian họp của chợ Viềng

Tại vùng đất Nam Định, trong cùng một thời điểm của năm có đến hai chợ Viềng truyền thống được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Chợ Viềng thứ nhất thường gọi là chợ Viềng Phủ, họp ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Chợ Viềng thứ hai còn có tên gọi khác là chợ Viềng Chùa ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực.

chợ viềng

Cả hai khu vực chợ này đều mang ý nghĩa của phiên chợ cầu may. Cũng bởi sự trùng hợp cả về thời gian, tên chợ và mục đích tổ chức đã dẫn đến những sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của nhiều người rằng hai chợ Viềng này chính là một. Dưới đây, chúng tôi xin phép chỉ đề cập thông tin của chợ Viềng Chùa một cách biệt lập.

1. Hoạt động mua bán và các sản phẩm giá trị tại chợ Viềng Chùa

Người Việt Nam ta thường có câu kiêng cữ ở cửa miệng “Chớ đi mùng 7 chớ về mùng 3” để nhắc nhở mọi người nên kiêng kỵ xuất hành vào những ngày đó vì không may mắn. Tuy nhiên, căn cứ cũng như sự đúng đắn của câu nói này thì chưa ai có thể khẳng định hoàn toàn bởi vùng đất cổ Nam Định vẫn đi ngược lại những lời phỏng đoán để mở hội phiên chợ Viềng đón khách từ đêm mồng 7 cho tới sớm ngày mùng 8 tháng Giêng.

Quan niệm đi chợ Viềng để nhận lấy sự may mắn bắt nguồn từ ai chưa rõ nhưng người ta thường mua hàng vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng với mong muốn được thần thánh phù trì. Tại phiên chợ, cây cảnh được bày bán khá phong phú nhưng mặt hàng chủ đạo của chợ Viềng lại chính là đồ cổ, đồ giả cổ. Vậy nên nếu coi chợ Viềng Nam Giang là nơi mua sắm đồ cổ thì cũng không có gì là quá lời.

lễ chợ viềng

Theo lời người dân kể lại, Làng Đồng Quỹ bắt đầu với xu thế chơi đồ cổ từ thế kỷ XVII, lại vốn có nghề đúc đồng nổi tiếng từ thời Hậu Lê nên các sản phẩm của làng khi đó được nằm xen kẽ với các loại cổ khác trong chợ Viềng. Cũng vì nguyên cớ ấy mà huyện Nam Trực ngày nay có cả một nhóm người chuyên đi sưu tầm đồ cổ về để phục vụ phiên chợ độc đáo của quê hương. Chợ đồ cổ thì tuy không dễ tìm nhưng cũng không phải quá hiếm, nhưng quy luật họp chợ Viềng Chùa thì chắc hẳn không nhiều. So với chợ Viềng ở huyện Vụ Bản thì Chợ Viềng ở huyện Nam Trực được đánh giá khá cao cả về số lượng, chủng loại và giá trị.

chợ viềng họp ngày nào

Những gia đình có điều kiện và những người sành chơi đồ có giá trị ngày xưa thường tìm đến những gian hàng đồ cổ trong chợ Viềng.  Còn những vị khách chỉ muốn khám phá hoặc mong cầu may mắn thì sẽ thường lựa chọn những gian hàng bán các sản phẩm sinh hoạt đã qua sử dụng.

Mỗi phiên chợ Viềng qua đi theo thời gian, lâu dần đã khiến người dân Đồng Quỹ phải đổi mới hơn để đáp ứng nhu cầu thị hiếu bằng cách sáng tạo. Đó là sản xuất đồ giả cổ. Những người có thú tiêu khiển với đồ cổ nhưng chưa đủ điều kiện kinh tế thường coi chúng là những sự lựa chọn phù hợp. Các thứ đồ cổ giả này tuy giá trị thấp nhưng chúng cũng đạt tới độ tinh xảo nhất định mà có lẽ những người không thực sự sành sỏi về cổ vật sẽ khó phân biệt khi chúng được bày bán cùng khu vực với đồ cổ thật. 

2. Chợ Viềng chiều lòng khách đến, vừa lòng khách đi

Cái hay ở chợ Viềng là nơi đây giống như một sàn giao dịch trực tiếp của những con người cùng chung sở thích. Một điều khiến du khách  trải nghiệm tại địa điểm này đều khá hài lòng là chợ Viềng không có cảnh đốt vía, người bán tỏ thái độ hay nói khách nặng lời như ở các chợ khác. Những người bán hàng coi ngày đầu xuân đi chợ là để mua may bán rủi, thuận mua vừa bán để giao lưu với những bạn hữu cùng niềm đam mê. Có lẽ tất cả những điều trên là tổng hòa tạo lên sự đặc biệt ấy, góp phần quyến rũ cho bản sắc phiên chợ tại tỉnh Nam Định này.

hội chợ viềng

Cho tới thời điểm hiện tại, tên đầy đủ của chợ Viềng là "hội chợ Viềng". Tên gọi này được chấp nhận bởi tính chất ngôn từ của nó bao hàm được toàn bộ những hoạt động trong khuôn viên chợ từ hoạt động mua bán, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và cả hoạt động du xuân của du khách thập phương.

Dù chợ Viềng ngày nay đã có nhiều sự đổi thay hơn trước nhưng các sản phẩm truyền thống không vì thế mà bị mất đi. Chợ Viềng Nam Giang đã và đang tồn tại trong lịch sử và trở thành minh chứng rõ ràng nhất về một phong tục tập quán đẹp của nhân dân Việt Nam.

Bài viết nên đọc