Trung thực là gì? Vì sao trung thực chính mình khó như vậy

Từ xa xưa, ông cha ta vẫn luôn căn dặn con cháu phải giữ gìn lòng trung thực. Bởi lẽ, đó là điều vô cùng cần thiết góp phần hình thành nên nhân cách tốt đẹp ở mỗi con người. Trung thực cũng được cho là một trong những đức tính vô cùng quý báu và đáng tự hào, dù ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy.

I. Trung thực là gì?

Đầu tiên, chữ “trung” có ý nghĩa rất rộng, nhưng trong ngữ cảnh này, thì “trung” chính là hết lòng mình với người (như trong “Trung quân ái quốc”, “ Tân kỷ chi vị trung”). Hay nói cách khác, “trung” có thể hiểu là trung thành.

Tiếp theo, chữ “thực” được định nghĩa là sự vật, sự việc có thật hay thành thật, không gian dối, lọc lừa. 

Trung thực là gì?

Như vậy, khi ghép cả hai chữ lại, “trung thực” chính là trung thành với sự thật, hay nói dễ hiểu hơn, đó là ngay thẳng, thẳng thắn, không bao che cho những điều dối trá.

Con người luôn được khuyến khích gìn giữ, rèn luyện và phát huy đức tính này. Theo giáo lý nhà Phật, sự trung thực vô cùng quan trọng, thuộc vào giới “không nói dối” trong ngũ giới, nghiệp báo chắc chắn sẽ xảy ra với người dối trá. Khi được truyền bá tới Việt Nam, nhân dân ta đã tiếp thu tinh hoa đẹp đẽ từ lời dạy của Phật, hình thành nên tư tưởng đúng đắn: “Gieo nhân nào gặp quả nấy”, “Ác giả ác báo”,...

Trung thực là đức tính bất kỳ ai cũng cần có

II. Sống trung thực mang đến điều gì?

1. Nâng cao phẩm giá của con người

Marcus Tullius Cicero đã từng nói: “Nơi nào có phẩm giá mà lại không có sự trung thực?”.

Phẩm giá - phẩm chất và giá trị - được tạo nên từ nhiều yếu tố, có thể kể đến như: kiên cường, can đảm, linh hoạt,... Và trung thực chính là thứ góp phần làm những điều đó càng trở nên tỏa sáng. Tại sao lại như vậy?

Ví dụ như một người mắc sai lầm trong công việc, người đó thừa nhận lỗi lầm của mình với cấp trên và mọi người. Đó chính là dũng cảm đối mặt với sai sót. Như vậy, chẳng phải sự dũng cảm đó cũng bắt nguồn từ sự thành thật, tính trung thực đấy ư?

Sự trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách trí tuệ

2. Nền tảng của những mối quan hệ tốt đẹp

Thành thật mà nói, sự trung thực là điều mà bất kỳ ai cũng hướng tới, vì vậy, người trung thực có thể chiếm được cảm tình của người khác vô cùng dễ dàng. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ kinh doanh, giáo dục, cho đến hôn nhân, gia đình, yếu tố căn bản nhất gắn kết mối quan hệ chính là niềm tin. 

Khi bạn nói ra những điều thật lòng, người khác cũng sẽ cảm nhận được sự chân thành qua từng câu từ, và từ đó, niềm tin họ đặt nơi bạn sẽ ngày một lớn dần, khiến mối quan hệ giữa người với người trở nên bền chặt. Đồng thời, tạo ra một môi trường thuận lợi, bước đệm quan trọng để thành công trong cuộc sống. 

3. Cả thể chất lẫn tinh thần đều thư thái

Khi một người nói dối, trong lòng họ sẽ không tự chủ được mà cảm thấy lo lắng, bồn chồn, cảm giác như có một tảng đá đang đè nặng lên lương tâm vậy. Tâm lý khi nói không đúng sự thật luôn luôn bất ổn, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thần kinh.

Sống trung thực giúp bạn thư thái, lạc quan hơn

Và chỉ khi nói ra được sự thật, họ mới có thể được giải thoát khỏi vòng vây tâm lý do bản thân tạo ra. Nếu không, nỗi bất an vẫn sẽ thường trực trong tâm tưởng, dần dà hình thành bóng ma tâm lý, khiến họ không dám đối mặt. Trường hợp nặng hơn, thậm chí có thể rơi vào tình trạng trầm cảm vì chính những suy nghĩ của mình.

Trong khi đó, người chính trực bao giờ cũng vui vẻ, lạc quan, không phải chịu đựng sự giằng xé khủng khiếp trong tâm can, cũng chẳng phải đối diện với “bóng ma” nào cả. Họ cứ sống một cuộc đời vui tươi, thoải mái và có ích.

Đó không chỉ là điều vô cùng tuyệt vời mà cũng là mơ ước của rất nhiều người về một cuộc sống không lo toan. Họ không ân hận về quá khứ hay luyến tiếc những gì mình đã làm. Một cuộc sống đẹp đẽ, thoải mái về cả thể chất lẫn tinh thần.

III. Vì sao trung thực với chính mình lại khó?

Để trở thành một người trung thực, bạn phải có bản lĩnh. Bởi lẽ, đó chính là chìa khóa mở ra nguồn năng lượng mạnh mẽ trong bạn. Bạn phải trải qua quá trình rèn luyện vô cùng gian nan, vất vả và cần có sự đầu tư về nhiều mặt mới có thể sở hữu chiếc “chìa khóa” ấy.

1. Trung thực trong lời nói

Điều này nghe có vẻ dễ, vì ta chỉ cần nói ra được sự thật. Nhưng thực tế, để có được sự trung thực trong lời nói là vô cùng khó khăn.

Trung thực trong lời nói giúp bạn vui tươi hơn

Đơn cử như những lời xã giao hàng ngày, không hề dễ dàng chút nào để nói ra điều mình thực sự nghĩ, thay cho những lời khen “lịch sự. Đó là khi bạn khen khách hàng của mình vì muốn có được cảm tình từ họ, là khi bạn dù bạn nghĩ mình không có lỗi nhưng vẫn nói lời xin lỗi,...

2. Trung thực trong cảm xúc 

Nhiều người thường ngày vẫn tỏ ra vui vẻ, lạc quan, nhưng khi màn đêm buông xuống, họ lại ngồi một mình ôm mặt khóc. Thì ra, những gì họ thể hiện bên ngoài chỉ là lớp vỏ bọc, họ vẫn mỉm cười dẫu trong lòng vô cùng đau đớn và mỏi mệt. Đó là không trung thực với cảm xúc của mình, và cũng là điều rất nhiều người gặp phải mà chưa tìm ra cách khắc phục vì không thể sống đúng với những gì mình cảm nhận.

Trung thực với cảm xúc chính mình rất quan trọng

3. Trung thực trong cách suy nghĩ

Chắc hẳn lúc đi học, rất nhiều người không dám đặt câu hỏi khi không hiểu một vấn đề. Nó xuất phát từ tâm lý sợ bị chê cười, bị đánh giá, phán xét từ thầy cô, bạn bè. Chính sự sợ hãi ấy đã đầu độc suy nghĩ họ, khiến họ trở nên tự ti, hoài nghi năng lực của bản thân, đồng thời, tự vạch ra giới hạn cho mình. 

Nỗi sợ không thể phủ nhận, nhưng cách suy nghĩ thì hoàn toàn có khả năng thay đổi. Việc vượt qua những sợ hãi trong tâm lý mình để ngày càng hoàn thiện và phát triển bản thân là điều vô cùng cần thiết và đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ của mỗi người.

Trung thực với chính mình là điều không dễ dàng

Như vậy, những gì mà trung thực mang lại là không phải bàn cãi, việc hình thành và rèn luyện đức tính này cần nhiều thời gian và công sức mài giũa, tôi luyện, cũng vì thế mà mỗi cá nhân phải có ý thức tu dưỡng, gìn giữ sự trung thực của chính mình, từng bước hoàn thiện đạo đức và nhân cách. 

Nói tóm lại, góc nhìn khách quan nhất về các khía cạnh riêng biệt của tính trung thực đã được hé lộ, hy vọng những tri thức này có thể được áp dụng vào chính cuộc sống của mỗi người một cách triệt để.

Bài viết nên đọc