Hướng dẫn chọn sản phẩm tẩy tế bào chết cho mọi loại da

Tẩy tế bào chết cho da mặt và da toàn thân là một trong những quá trình chăm sóc da cơ bản. Tẩy tế bào chết định kỳ giúp ngăn ngừa tích tụ tế bào gây mụn, kích thích sản sinh tế bào da mới, giúp da trắng sáng hơn và cải thiện quá trình lão hóa da.

Tẩy tế bào chết cho da cũng cần một quy trình với tần suất nhất định và phải phù hợp với điều kiện của làn da. Nếu thực hiện quá nhiều hoặc quá ít đều không đem lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến quá trình phục hồi liên tục của da.

tay te bao chet

I. Vì sao cần tẩy tế bào chết cho da?

Làn da luôn có cơ chế tự phục và thay thế, các tế bào da sau khi chết sẽ được thay thế bằng tế bào mới. Những tế bào chết bong ra có thể xuất hiện trên khắp cơ thể mà mắt thường không thể thấy được. Việc tẩy tế bào chết cho da là cần thiết vì các lý do sau:

  • Tẩy tế bào chết giúp lộ ra làn da sáng mịn, khỏe mạnh của tế bào mới. Đồng thời, nó còn giúp kích thích quá trình tái tạo da mới, tăng tiết collagen giúp làm mờ sẹo và thâm hiệu quả.
  • Tế bào chết bám trên mặt da làm ngăn cản quá trình hấp thu và thẩm thấu các dưỡng chất trong sản phẩm chăm sóc da. Loại bỏ lớp tế bào chết giúp mang lại hiệu quả chăm sóc da tốt hơn.
  • Tế bào chết làm bít tắc lỗ chân lông, nếu là da dầu kết hợp với tế bào chết sẽ là điều kiện cho vi khuẩn và bụi bẩn tích tụ, dẫn đến bị mụn trứng cá trên da.

II. Thời điểm thích hợp để tẩy tế bào chết

Thông thường, việc tẩy tế bào chết cho da được khuyến cáo chỉ nên thực hiện 1 - 2/ tuần và còn tùy thuộc vào từng loại da cũng như phương pháp sử dụng. Trong đó, tẩy da chết bằng các sản phẩm hóa học là được sử dụng nhiều hơn cả vì nó nhanh chóng và tiện dụng.

thoi diem tay te bao chet

Hai thời điểm thích hợp để tẩy tế bào da chết trong ngày là sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.

  • Tẩy tế bào chết vào buổi sáng giúp một làn da sáng mịn cả ngày.
  • Tẩy tế bào chết vào buổi tối giúp loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn còn sót lại trên da, làm thông thoáng lỗ chân lông.

III. Sữa rửa mặt và tẩy tế bào chết, nên sử dụng sản phẩm nào trước?

Sữa rửa mặt giúp làm sạch da, loại bỏ bụi bẩn và dầu nhờn trên da. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ tế bào chết và các tạp chất cứng đầu trên da sâu trong lỗ chân lông. Cho nên, quy trình được ưu tiên là rửa mặt trước sau đó mới tẩy tế bào chết. Đây là quy trình giúp làm sạch sâu hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu bạn sở hữu một làn da nhạy cảm thì nên tẩy tế bào chết trước rồi mới sử dụng sữa rửa mặt.

Sữa rửa mặt và tẩy tế bào chết

Nếu bạn dùng tẩy tế bào chết bằng phương pháp vật lý thì cũng nên tẩy da chết rồi mới rửa mặt. Quy trình này giúp loại sạch những thành phần trong công thức tẩy da chết còn sót lại cho làn da sạch sẽ hơn.

1. Sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da khô hoặc da nhạy cảm

Đối với làn da khô hoặc nhạy cảm, nên tẩy tế bào chết 1 - 2 lần/ tuần và sử dụng các loại mỹ phẩm hóa học để tẩy.

Các loại mỹ phẩm nên lựa chọn chất tẩy là từ enzyme hoặc glycolic và nên lựa chọn những sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm cho da.

Sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da khô hoặc da nhạy cảm

2. Sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da dầu mụn

Da dầu làm tăng mức độ bít tắc lỗ chân lông nên cần tẩy tế bào chết 2 - 3 lần/tuần. Chất tẩy tế bào chết trong sản phẩm sử dụng nên là acid salicylic, acid beta hydroxy (BHA). Hai thành phần này giúp làm thông thoáng lỗ chân lông mà không ảnh hưởng đến quá trình tiết dầu tự nhiên trên da, ngoài ra BHA còn hỗ trợ trị mụn hiệu quả.

3. Sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da hỗn hợp

Da hỗn hợp nên tẩy tế bào chết mỗi tuần 2 - 3 lần. Sản phẩm sử dụng trong thành phần nên có acid mandelic. Loại acid này giúp loại bỏ dầu thừa trên da và cũng phù hợp với vùng da khô.

Nếu không, mọi người có thể sử dụng song song chuyển đổi giữa 2 loại tẩy tế bào chết bằng acid và bằng enzyme/ glycolic.

tay te bao chet

4. Sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da thường

Da thường là làn da đáng mơ ước của mọi người. Tần suất tẩy tế bào chết cho da thường chỉ cần 1 lần/ tuần. Sản phẩm tẩy tế bào chết cho da thường nên chọn loại có acid alpha hydroxy (AHA). AHA giúp tẩy tế bào chết, củng cố nền da, làm giảm nếp nhăn và các sắc tố thâm nám da.

IV. Chăm sóc cho da trong và sau khi tẩy tế bào chết

Trong và sau khi tẩy tế bào chết, quá trình chăm sóc da cũng cần phải lưu ý nhiều vấn đề để ngăn ngừa những tổn thương trên da do các thành phần tẩy tế bào chết gây ra.

  • Nếu đang sử dụng các sản phẩm chăm sóc da khác chứa retinol hay benzoyl peroxide, cần cân nhắc sử dụng tẩy tế bào chết vì dễ khiến da bị khô và xuất hiện mụn trứng cá.
  • Chọn sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học phù hợp với tình trạng da. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu da xuất hiện những đốm sắc tố sẫm màu hoặc nổi mụn trứng cá thì phải ngưng sử dụng tẩy tế bào chết ngay lập tức.
  • Không nên tẩy tế bào chết trên vùng da có vết thương hở hoặc đang bị cháy nắng.
  • Cần nhẹ nhàng với làn da khi tẩy tế bào chết. Nếu phải dùng cọ nên sử dụng loại có lông mềm.
  • Sau khi tẩy tế bào chết, da sẽ bị khô cho nên cần thoa kem dưỡng ẩm, hạn chế những tổn thương trên da, bổ sung các vitamin tốt cho da như E, A, kẽm,...
  • Nếu bị dị ứng nhẹ: ngứa, đỏ da, hãy rửa lại vùng da bị kích thích bằng nước ấm và không sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào khác cho đến khi da bình thường trở lại. Có thể sử dụng các loại thuốc dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu da bị ứng nặng: đau tức ngực, khó thở, đau rát cổ họng, sưng mặt,...cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Khi đi nhớ mang theo loại tẩy tế bào chết mình đang dùng để hỗ trợ cho việc chẩn đoán.

cham soc da

V. Có nên tự tẩy tế bào chết bằng các nguyên liệu thiên nhiên tại nhà?

Tự tẩy tế bào chết cho da bằng các nguyên liệu thiên nhiên còn gọi là phương pháp tẩy tế bào chết vật lý. Các nguyên liệu sử dụng thường có độ pH trung tính, không sử dụng các nguyên liệu có độ pH quá cao hoặc quá thấp như chanh, cà chua, dâu tây,...

Cách tẩy tế bào da chết bằng phương pháp vật lý không phù hợp với da nhạy cảm và da đang nổi mụn. Các hạt tẩy tế bào chết nên có kích thước nhỏ và không bén sắc để tránh gây trầy xước và tổn thương da.

Da thường và da khô nên tẩy tế bào chết bằng phương pháp vật lý 1 - 2 lần/ tuần. Da dầu nên thực hiện mỗi tuần 2 - 3 lần.

Sau khi làm ướt vùng da cần tẩy tế bào chêt, dùng ngón tay thoa hỗn hợp lên da và mát xa nhẹ nhàng 3 - 4 phút. Rửa thật sạch hết hỗn hợp tẩy tế bào chết trên da bằng nước ấm và lau khô.

tay te bao chet tại nha

Các công thức tẩy tế bào chết hiệu quả từ nguyên liệu tự nhiên nên dùng:

  • Mật ong và đường nâu hạt nhỏ tỉ lệ 1:1
  • Bã cà phê, đường nâu hạt nhỏ, sữa tươi không đường, mật ong tỉ lệ 2:4:2:1
  • Dầu dừa, mật ong, đường nâu, yến mạch tỉ lệ 2:1:1:3
  • Đường nâu và sữa chua tỉ lệ 3:2
  • Trà xanh và mật ong tỉ lệ 1:2
  • Cám gạo và sữa tươi không đường tỉ lệ 2:3
  • Bột đậu đỏ và dầu dừa tỉ lệ 1:2

Tẩy tế bào chết là một bước không thể thiếu trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng làn da. Tần suất tẩy da chết nhiều hay ít, loại sản phẩm nào phù hợp với làn da của mình là vấn đề quan trọng không thể qua loa. Tốt nhất, bạn cần sự hỗ trợ của các chuyên gia da liễu để lựa chọn được sản phẩm và liều dùng phù hợp với tình trạng da của bản thân.