Triết lý của phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính

Trước khi bắt đầu nghiên cứu các kỹ thuật thực tế và các công cụ được sử dụng trong phân tích kỹ thuật, thì bạn cần phải nắm rõ phân tích kỹ thuật là gì, những cơ sở lý luận của nó, từ đó nêu ra những điểm khác biệt giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

Bất kỳ ai khi muốn đánh giá đầy đủ về phương pháp phân tích kỹ thuật thì cần phải hiểu một cách rõ ràng về những gì mà phân tích kỹ thuật đảm nhiệm đồng thời phải hiểu được các triết lý và các tiền đề căn bản đằng sau những phân tích kỹ thuật đó. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn phân tích kỹ thuật là gì, các triết lý và tiền đề cơ bản trong phân tích kỹ thuật, nào cùng tìm hiểu nhé.

I. Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là việc nghiên cứu biến động của thị trường, chủ yếu thông qua đồ thị nhằm dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Biến động thị trường sẽ bao gồm ba yếu tố cơ bản: Mức giá, Khối lượng giao dịch, Số lượng hợp đồng chưa tất toán (open interest) dùng cho giao dịch hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn.

II. Các tiền đề cơ bản trong phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật dựa trên ba tiền đề cơ bản:

  • Biến động thị trường phản ánh tất cả
  • Giá dịch chuyển theo xu hướng
  • Lịch sử tự lặp lại

1. Biến động thị trường phản ánh tất cả

Tiền đề quan trọng đầu tiên cần phải hiểu và chấp nhận đó là biến động thị trường phản ánh tất cả chính là nền tảng của phân tích kỹ thuật. Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng bất cứ thứ gì có tính cơ bản, chính trị, tâm lý hay những yếu tố khác đều có thể tác động lên giá và thực tế chúng được phản ánh trong mức giá của thị trường.

Theo như các nhà phân tích kỹ thuật thì biến động giá phản ánh sự thay đổi của cung và cầu. Nếu cầu vượt quá cung thì giá sẽ tăng và ngược lại. Biến động này là nền tảng cho mọi dự đoán kinh tế và cơ bản.

Lưu ý là bản thân các đồ thị không thể khiến cho giá thị trường dịch chuyển tăng lên hoặc giảm xuống mà nó chỉ thể hiện tâm lý tăng hoặc giảm của thị trường mà thôi.

Trong giai đoạn đầu của một xu hướng giá hay tại các điểm chuyển đổi giá quan trọng, không ai biết được tại sao thị trường lại thể hiện giá như vậy, tuy nhiên khi sử dụng phân tích kỹ thuật các chuyên gia có thể đưa ra kết luận một cách dể dàng nhờ tính logic đằng sau tiền đề đầu tiên - biến động thị trường phản ánh tất cả, điều này càng trở nên thuyết phục hơn nếu như bạn tích luỹ đủ kinh nghiệm.

Vậy nên nếu như tất cả mọi thứ ảnh hưởng đến giá thị trường được thể hiện trong chính mức giá đó thì chỉ cần nghiên cứu giá thị trường là đủ. Tóm lại có rất nhiều lý do khiến cho giá thị trường tăng hoặc giảm, các nhà phân tích đồ thị không quan tâm đến điều đó, họ dựa vào việc nghiên cứu các đồ thị giá và một loạt các chỉ số kỹ thuật hỗ trợ để lựa chọn hướng đi tốt nhất từ các thông tin đó.

2. Giá di chuyển theo xu hướng

Trong phân tích kỹ thuật thì việc xác định xu hướng là rất quan trọng, cho nên mục đích của việc vẽ đồ thị biến động giá là để xác định xu hướng trong giai đoạn phát triển ban đầu của giá, từ đó nhà đầu tư sẽ giao dịch theo xu hướng đó.

Để hiểu rõ hơn ta xét ví dụ dưới đây, đây là một ví dụ về xu hướng giá giảm. Qua ví dụ này bạn sẽ thấy rõ hơn về hệ quả tất yếu của tiền đề giá di chuyển theo xu hướng - một xu hướng giá đang diễn ra nhiều khả năng sẽ tiếp tục hơn là bị đảo chiều. 

xu huong giam

Hiểu một cách đơn giản là xu hướng chuyển động của giá sẽ tiếp tục đi theo hướng hiện tại cho đến khi có tín hiệu đảo chiều.

3. Lịch sử lặp lai

Phần lớn các nghiên cứu kỹ thuật và nghiên cứu về biến động thị trường đều liên quan đến nghiên cứu tâm lý con người.

Ví dụ, các mô hình đồ thị được xác định và phân loại 100 năm qua, phản ánh những sự việc nhất định xuất hiện trên đồ thị giá. Những sự việc này tiết lộ tâm lý theo xu hướng tăng hoặc giảm của thị trường. Những mô hình đồ thị này đã hoạt động rất tốt trong quá khứ cho nên được giả định rằng chúng sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong tương lai. 

Theo nhiều nghiên cứu, tâm lý con người thường có xu hướng không thay đổi khi gặp một hoàn cảnh tương tự lặp lại. Hiểu một cách đơn giản thì lịch sử lặp lại chính là chìa khoá để hiểu tương lai, hay nói cách khác tương lai là một sự lặp lại của quá khứ.

Tham khảo thêm: Sự khác biệt giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản

Trên đây là những kiến thức từ kinh nghiệm bản thân mình nên các bạn có thể tham khảo. Nếu các bạn có góp ý cho mình thì hãy gửi vào đây, mình sẵn sàng nhận ý kiến đóng góp từ các bạn.

Ngoc Phuong

Ngoc Phuong - 82 bài viết - Đánh giá:

Có 2 cách học hiệu quả nhất, 1 là nói cho người khác biết thứ bạn mới học được, 2 là nói cho người khác biết thứ bạn sắp quên. Tôi mới học được rất nhiều thứ. Tôi cũng sắp quên rất nhiều thứ.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai