SEO On Page là gì? Các yếu tố quan trọng trong SEO On Page

SEO OnPage là việc thực hiện chỉnh sửa từng phần nhỏ trên từng trang của website. Mặc dù đây là những thay đổi nhỏ nhưng nhìn tổng thể toàn trang web thì chúng có thể tác động rất lớn đến trải nghiệm đáng kể của người dùng và điều quan trọng là việc làm này sẽ giúp công cụ tìm kiếm hiểu và hiển thị nội dung được chính xác hơn. Để hiểu rõ hơn về những yếu tố cần chỉnh sửa khi làm SEO OnPage thì bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây.

I. Kiểm tra website có trên Google chưa

Để kiểm tra xem trang web của bạn có trên Google chưa thì bạn dùng toán tử site: . Nếu như có kết quả trả về thì có nghĩa là trang web của bạn đã được google lập chỉ mục và ngược lại.

Nguyên nhân trang web của bạn chưa được lập chỉ mục thì có nhiều nguyên nhân: 

  • Trang web của bạn còn mới
  • Trang web của bạn bị trùng nội dung với một trang web khác
  • Trang web của bạn thiết kế khiến Googlebot khó thu thập dữ liệu
  • Trang web của bạn đang chặn Googlebot

II. Tối ưu để giúp Google hiểu website của bạn

Quá trình làm SEO On Page chính là quá trình làm sao để Google hiểu được website của bạn tốt nhất, điểm số SEO On Page càng cao thì càng giúp bạn nhanh lên top hơn. Dưới đây là các yếu tố cần tối ưu để Google có thể hiểu trang web của bạn.

1. Tiêu đề trang web chuẩn và riêng biệt

Trang web của bạn cần thêm thẻ <title> để công cụ tìm kiếm và người dùng biết chủ đề của một trang cụ thể. Thẻ <title> phải đặt trong thẻ <head> và lưu ý tiêu đề nên đặt riêng biệt cho từng trang cụ thể.

Cú pháp của thẻ <title> như sau:

<title>Nội dung thẻ title</title>

2. Dùng thẻ mô tả meta

Thẻ mô tả meta sẽ cung cấp cho Google đầy đủ thông tin hơn về trang web của bạn. Giống như thẻ <title> thẻ mô tả meta cùng nằm bên trong thẻ <head>

Cú pháp thẻ mô tả meta như sau:

<meta name="description" content="Nội dung mô tả trang web">

3. Thêm dữ liệu có cấu trúc

Dữ liệu có cấu trúc là một định dạng chuẩn để cung cấp thông tin về một trang và phân loại nội dung trang. Chính vì thế khi bạn thêm đoạn mã dữ liệu có cấu trúc vào website sẽ giúp cho công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn nội dung trang web của bạn từ đó có thể hiển thị nội dung của bạn một cách hữu ích và nổi bật hơn trong trang kết quả tìm kiếm SERP.

Hầu hết dữ liệu có cấu trúc trên công cụ tìm kiếm đề sử dụng mã có trên schema.org, tuy nhiên bạn nên tham khảo trên trang chính thức của Google thay vì dựa trên tài liệu của schema.org, bởi vì có nhiều thuộc tính có trên schema.org nhưng công cụ tìm kiếm Google không yêu cầu. Mặc dù có thể những thuộc tính đó có thể hữu ích với các công cụ tìm kiếm khác.

Để dữ liệu có cấu trúc đủ điều kiện xuất hiện trong trang kết quả tìm kiếm của Google thì phải đảm bảo các nguyên tắc dưới đây.

3.1 Nguyên tắc kỹ thuật:

Định dạng

Định dạng khuyên dùng là JSON-LD, tuy nhiên bạn vẫn có thể dùng định dạng Microdata và RDFa.

Quyền truy cập

Không được dùng tập tin robots.txt, thẻ noindex hay bất cứ cách gì để chặn Googlebot vào trang có chứa dữ liệu có cấu trúc của bạn.

3.2 Nguyên tắc về chất lượng

Nội dung

  • Nội dung trang web đạt chất lượng
  • Cung cấp thông tin nội dung phù hợp, những thông tin không còn phù hợp sẽ không được hiển thị kết quả nhiều định dạng nữa.
  • Cung cấp nội dung gốc, không được sao chép nội dung từ trang web khác.
  • Đừng đánh dấu nội dung những trang người dùng không xem được. Nếu như bạn đánh dấu JSON-LD mô tả một bộ phim thì nội dung HTML cũng phải mô tả chính bộ phim đó.
  • Đừng đánh dấu những nội dung không liên quan đến trang web. 
  • Đừng đánh dấu những nội dung đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn cho người dùng. 
  • Nội dung không được quảng bá bạo lực tình dục, ấu dâm, tình dục với động vật, các hành động bạo lực và các hoạt động thù địch có mục đích xấu.
  • Không được đánh dấu nội dung các hoạt động bất hợp pháp hoặc các sản phẩm, dịch vụ gây tổn hại đến người khác.

Mức độ liên quan

Trang web của bạn phải có nội dung đúng với dữ liệu có cấu trúc được đánh dấu. Ví dụ trang web về nấu ăn không được đánh dấu nội dung về nghề nail, ...

Mức độ hoàn chỉnh

Khi đánh dấu nội dung phải khai báo đầy đủ các thuộc tính bắt buộc, nếu như thiếu các thuộc tính bắt buộc sẽ không đủ điều kiện để xuất hiện dưới định dạng nhiều kết quả trên trang kết quả tìm kiếm SERP.

Đối với các thuộc tính không bắt buộc thì bạn cũng nên thêm vào để chất lượng hiển thị được tốt hơn cho người dùng. Ví dụ người dùng sẽ thích những tin tuyển dụng ghi rõ mức lương hơn là tin không ghi rõ.

Vị trí

Đặt dữ liệu có cấu trúc có nội dung đúng với từng trang cụ thể, nếu như có nhiều trang có cùng một nội dung thì nên đặt cùng một dữ liệu có cấu trúc luôn. 

Mức độ cụ thể

Hãy sử dụng đúng tên loại dữ liệu và tên thuộc tính theo như schema.org cho đã đánh dấu trang web của bạn.

Hình ảnh

Khi khai báo địa chỉ hình ảnh làm một thuộc tính thì hình ảnh đó phải phù hợp với chủ đề trên trang. Url hình ảnh phải cho phép Google thu thập và lập chỉ mục. 

Nhiều mục trên một trang

Nhiều mục trên một trang có nghĩa là trang đó có nhiều loại dữ liệu khác nhau. Ví dụ một trang có thể chứa công thức nấu ăn, video hướng dẫn và thông tin breadcrumb (tập hợp liên kết phân cấp) giúp người dùng dể tham khảo hơn. Bạn có thể đánh dấu bằng dữ liệu có cấu trúc toàn bộ thông tin trên trang để giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn và giúp hiển thị trang đó nhiều định dạng hơn trên trang kết quả tìm kiếm SERP.

Công cụ tìm kiếm của Google có thể hiểu được nhiều mục trên một trang, cho dù bạn lồng ghép các mục với nhau hay chỉ định riêng từng mục:

  • Dạng lồng ghép: Bạn chỉ định một mục chính và bổ sung các mục khác trong mục chính đó.
  • Dạng từng mục riêng lẻ: Có nhiều mục riêng biệt trên cùng một trang.

4. Sắp xếp hệ thống phân cấp trang web

Cách công cụ tìm kiếm sử dụng URL

Mỗi nội dung cần có một URL riêng để các công cụ tìm kiếm có thể thu thập thông tin và lập chỉ mục. Ví dụ một nội dung được dịch nhiều ngôn ngữ thì mỗi URL riêng biệt là một ngôn ngữ riêng để công cụ tìm kiếm hiển thị đúng kết quả cho từng khu vực.

Theo như Google thì mọi trang web đều nên dùng https://, có nghĩa là nên cài chứng chỉ SSL cho địa chỉ website. Google phân biệt phiên bản www và không có www cho nên khi thêm trang web vào công cụ Google Search Console các bạn nên thêm đầy đủ 4 phiên bản https, http, có www và không có www.

Google cũng phân biệt chữ hoa và chữ thường đối với đường dẫn, tên tệp và chuỗi truy vấn xác định nội dung.

Đối với URL dẫn đến trang chủ website thì thành phần gạch chéo / ở phía sau sẽ không bắt buộc. Có nghĩa là https://example.com/ và https://example.com đều có ý nghĩa như nhau. Nhưng đối với các URL khác và tên tệp  khi có gạch chéo / ở đằng sau sẽ thành URL khác, ví dụ https://example.com/books(đường dẫn bình thường) sẽ khác với https://example.com/books/(đường dẫn đến tệp tin).

5. Điều hướng người dùng

Cách điều hướng là yếu tố quan trọng đối với các công cụ tìm kiếm. Để khách hàng có thể dể dàng tìm thấy nội dung họ cần thì việc điều hướng trong trang rất là quan trọng. Ngoài ra thì khi điều hướng trang sẽ giúp Google biết được chủ trang web muốn đánh giá nội dung nào là quan trọng.

Lập sơ đồ điều hướng dựa trên trang chủ của bạn

Từ trang chủ bạn hãy xây dựng điều hướng khách truy cập đến các trang có chủ đề cụ thể hơn, chi tiết hơn. Ví dụ bạn bán một sản phẩm là sách thì bạn có thể phân nhiều trang như sách giáo khoa, sách làm giàu, ... khi đó khách truy cập sẽ dể chuyển hướng đến nội dung họ cần hơn. 

Sử dụng các danh sách breadcrumb(tập hợp liên kết phân cấp)

Một breadcrumb là một hàng các liên kết nội bộ ở đầu hoặc cuối trang, cho phép người dùng có thể di chuyển trở lại trang nội dung trước hoặc trang nội dung gốc. Bạn nên dùng mã đánh dấu dữ liệu có cấu trúc cho breadcrumb khi hiển thị breadcrumb.

Tạo một trang điều hướng đơn giản cho người dùng 

Bạn có thể tạo một trang điều hướng đơn giản bao gồm cấu trúc trang web và danh sách phân cấp các trang trên trang web. Khách truy cập có thể vào trang này nếu như họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các trang trên trang web của bạn. Mục đích xây dựng trang này để hỗ trợ người dùng và trang này cũng vẫn sẽ được Google truy cập lập chỉ mục.

URL thân thiện truyền tải đầy đủ nội dung

Việc tổ chức và xây dựng danh mục, tên tệp mô tả đầy đủ cho nội dung trên trang không chỉ giúp bạn quản lý trang web dể hơn mà còn tạo ra các URL thân thiện. Những URL quá dài, nhiều ký tự lạ sẽ khiến người dùng e ngại khi truy cập đồng thời lại không thân thiện với các công cụ tìm kiếm.

URL xuất hiện trong kết quả tìm kiếm

URL xuất hiện gần tiêu đề xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm, cho nên một URL tối ưu sẽ tốt hơn. Mặc dù Google có thể thu thập mọi cấu trúc URL cho dù là những URL phức tạp.

6. Tối ưu hoá nội dung

Làm cho trang web thú vị và hữu ích với người dùng

Nội dung trang web thú vị và hữu ích luôn là yếu tố quan trọng hơn bất kỳ các yếu tố nào khác. Nội dung tốt sẽ giúp người dùng muốn chia sẻ cho nhiều người khác, họ có thể chia sẻ trên blog, các kênh mạng xã hội, email, diễn đàn, ... Điều này sẽ giúp trang web của bạn được người dùng và Google đánh giá cao, từ đó giúp tăng thứ hạng cho website.

Hiểu và đáp ứng nhu cầu của người đọc

Hãy tìm hiểu về thói quen người dùng và suy nghĩ về những từ khoá người dùng có thể tìm kiếm thông tin đó. Mỗi người sẽ có những hành vi tìm kiếm khác nhau, bạn có thể sủ dụng công cụ trong Google Ads để lập kế hoạch từ khoá, lựa chọn từ khoá phù hợp.

Nếu như bạn tạo ra một trang web cung cấp dịch vụ mới và hữu ích mà chưa có trang web nào cung cấp thì sẽ rất tuyệt vời.

Xây dựng niềm tin cho người dùng

Trang web của bạn uy tín sẽ giúp cho người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi truy cập. Hay cung cấp danh tính người xuất bản và đưa ra thông tin mục tiêu xây dựng trang web của bạn. Nếu như website giao dịch tài chính hoặc mua bán sản phẩm hay đảm bảo thông tin rõ ràng về các chính sách, dịch vụ để giúp người dùng giải quyết được những vấn đề gặp phải.

Làm rõ chuyên môn và tính xác thực trong nội dung của bạn

Nội dung trên trang web của bạn phải đảm bảo được những người có chuyên môn xuất bản, việc cung cấp nguồn từ các chuyên gia hoặc người có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp tăng chất lượng cho trang web.

Cung cấp lượng nội dung phù hợp cho chủ đề của bạn

Hãy đầu tư thời gian, chuyên môn và kiến thức tạo ra những nội dung chất lượng đúng chủ đề, đảm bảo nội dung thực sự chính xác và rõ ràng. 

Tránh hiển thị quảng cáo gây gián đoạn

Việc hiển thị quảng cáo là bình thường đối với Google, tuy nhiên đừng để quá nhiều quảng cáo làm người dùng không thể xem được nội dung và mất tập trung.

7. Dùng đường liên kết một cách hợp lý

Viết văn bản liên kết hay

Hiển thị các liên kết có nội dung hay tương tự trong bài viết, các liên kết này có thể là liên kết nội bộ hoặc là liên kết đến một trang web khác. 

Cẩn thận với trang mà bạn liên kết đến

Nếu như bạn không muốn chuyển một phần uy tín của trang web của mình với một trang web khác thì hãy thêm thuộc tính rel="nofollow" cho đường liên kết đó.

Nếu như bạn muốn dùng giá trị nofollow cho mọi đường liên kết trên một trang web thì bạn có thể thêm thẻ <meta name="robots" content="nofollow"> vào trong thẻ <head> cho chính trang đó. 

8. Tối ưu hoá hình ảnh

Dùng hình ảnh HTML

Hãy dùng thẻ <img>  hoặc <picture> để nhúng hình ảnh vào nội dung, nếu như muốn người dùng tải trang nhanh hơn thì bạn có thể thêm thuộc tính loading="lazy". Ngoài ra bạn hãy dùng thuộc tính alt, đây là thuộc tính mô tả hình ảnh, thuộc tính này sẽ rất hữu ích nếu như vì một lý do nào đó trang web của bạn không tải được hình ảnh.

Giúp các công cụ tìm kiếm tìm thấy hình ảnh của bạn

Bạn có thể thêm sơ đồ trang web dành cho hình ảnh để cung cấp thêm thông tin cho Googlebot, khi có sơ đồ này thì hình ảnh của bạn có thể xuất hiện nhiều hơn trên trang kết quả tìm kiếm hình ảnh.

Dùng định dạng hình ảnh chuẩn

Hầu hết các định dạng hình ảnh đều được các trình duyệt hỗ trợ như JPEG, GIF, PNG, BMP và WebP. Một lưu ý nhỏ là bạn nên để phần mở rộng của tệp tin trùng với loại tệp.

9. Làm cho trang web phù hợp với thiết bị di động

Hiện nay hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin. Phiên bản dành cho máy tính của các trang web sẽ khiến người dùng xem rất khó khăn. Chính vì thế việc thiết kế tối ưu trang web cho thiết bị điện thoại rất là có ý nghĩa, nó sẽ giúp người dùng dể sử dụng trang web của bạn hơn.

Chọn cách thức triển khai cho thiết bị di động

Có nhiều cách để trang web của bạn có thể tương thích với thiết bị di động, Google cũng gợi ý một số cách triển khai: 

  • Thiết kế web đáp ứng: thiết lập một mã HTML dùng chung cho tất cả các thiết bị trong đó CSS sẽ tuỳ biến để hiển thị phù hợp với từng loại thiết bị trên cùng URL.
  • Phân phối linh động: thiết lập nhiều mã HTML và CSS cho các thiết bị khác nhau trên cùng URL.
  • URL riêng biệt: thiết lập này có nghĩa là giao diện trên máy tính và trên điện thoại di động sẽ có URL khác nhau. Đây là cách không nên áp dụng vì sẽ rất khó triển khai và duy trì. 

10. Quảng bá trang web

Mặc dù trong quá trình sử dụng internet người dùng sẽ tìm thấy bạn trên trang kết quả tìm kiếm, nhưng bạn có thể quảng bá website của mình để nhiều người biết đến trang web của bạn nhanh hơn.

Thông báo khi thêm nội dung mới

Khi đăng nội dung mới trên website hãy thông báo cho các chủ sở hữu website khác đang theo dõi trang của bạn hoặc cung cấp nguồn dữ liệu RSS có thể nhận thông tin này.

Xác minh quyền sở hữu đối với trang doanh nghiệp

Nếu như bạn là một doanh nghiệp thì việc xác nhận quyền sở hữu trên Google Maps và Google Tìm kiếm sẽ giúp tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng hơn.

Hiểu các trang mạng xã hội

Chia sẻ những nội dung lớn thú vị giúp người dùng tương tác và chia sẻ link nhiều hơn.

Tiếp cận những trang web cùng chủ đề

Có thể có nhiều trang web có cùng chủ đề với bạn, bạn có thể trao đổi liên với các trang web này.

10. Phân tích hiệu suất tìm kiếm và hành vi người dùng

Phân tích hiệu suất của bạn trên công cụ tìm kiếm

Để theo dõi hiệu suất của trang web thì Google cung cấp công cụ Google Search Console. Khi sử dụng công cụ này bạn có thể biết được công cụ tìm kiếm Google có tìm thấy nội dung của bạn không và hiệu suất trang web của bạn như thế nào.

Đây là công cụ cực kỳ hữu ích cho quản trị web, khi sử dụng công cụ này bạn có thể:

  • Kiếm tra xem Googlebot có gặp sự cố khi thu thập dữ liệu trên trang web của bạn
  • Thử nghiệm và gửi sơ đồ trang web
  • Phân tích hoặc tạo tệp robots.txt
  • Xóa các URL đã được Googlebot thu thập dữ liệu
  • Xác định miền ưu tiên của bạn
  • Kiểm tra các vấn đề với thẻ meta title và description
  • Nắm được những nội dung có lượt tìm kiếm cao
  • Tìm hiểu cách Googlebot xem các trang
  • Nhận thông báo về những hành vi vi phạm nguyên tắc chất lượng và yêu cầu xem xét lại trang web

Phân tích hành vi người dùng trên trang web của bạn

Sau khi phân tích hiệu suất của trang web, bạn muốn tìm hiểu về hành vi của người dùng khi truy cập trang web của mình thì bạn có thể dùng công cụ Google Analytics. Đây là công cụ cung cấp nguồn thông tin có giá trị để tìm thông tin chi tiết về lưu lượng truy cập. Khi sử dụng công cụ này bạn có thể: 

  • Ghi nhận thông tin chi tiết về nguồn truy cập và hành vi của người dùng.
  • Kiểm tra được những nội dung có lượt truy cập nhiều nhất
  • Đo lường được hiệu quả các phương pháp tối ưu đã đem lại thay đổi như thế nào.
     

Trên đây là những kiến thức từ kinh nghiệm bản thân mình nên các bạn có thể tham khảo. Nếu các bạn có góp ý cho mình thì hãy gửi vào đây, mình sẵn sàng nhận ý kiến đóng góp từ các bạn.

Ngoc Phuong

Ngoc Phuong - 82 bài viết - Đánh giá:

Có 2 cách học hiệu quả nhất, 1 là nói cho người khác biết thứ bạn mới học được, 2 là nói cho người khác biết thứ bạn sắp quên. Tôi mới học được rất nhiều thứ. Tôi cũng sắp quên rất nhiều thứ.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai