Khám phá bí mật 5 đại dương trên thế giới

Đại dương không chỉ đơn thuần là nơi cư ngụ của hàng ngàn động vật biển phong phú, nơi đây còn là khu vực ẩn chứa vô vàn điều bí ẩn khiến con người luôn muốn khám phá và chinh phục. Vậy các bạn biết được những gì về 5 đại dương trên thế giới?

đại dương

1. Thái Bình Dương

Thái Bình Dương được xem là đại dương lớn nhất thế giới, với diện tích 155.400.000km² và trải dài từ Bắc Cực đến phía nam Nam Đại Dương, giới hạn bởi phía đông Châu Mỹ, Châu Á và phía tây Châu Úc.

Ngoài ra, Thái Bình Dương còn được ưu ái khi có điểm sâu nhất của lớp vỏ Trái Đất nằm ở vực thẳm Challenger tại rãnh Mariana. Độ sâu của khu vực này đạt gần 11.000m, nếu đem ra so sánh với nơi được mệnh danh tòa nhà cao nhất thế giới - tháp Burj Khalifa (Dubai), chúng ta sẽ phải bất ngờ vì độ sâu đó gấp 13 lần chiều cao của tòa tháp. Không chỉ có vậy, Thái Bình Dương còn có bộ sưu tập đảo phong phú với khoảng 20.000 - 30.000 hòn đảo đa phần đều nằm tại vị trí phía nam đường xích đạo. 

Thái Bình Dương

Tuy nhiên do sự chuyển động liên tục của các mảng kiến tạo của Trái đất, hiện nay Thái Bình Dương đang dần bị thu hẹp, trong khi Đại Tây Dương có xu hướng tăng lên về kích thước, bằng khoảng 2 - 3cm mỗi năm.

Bạn đã từng thắc mắc tại sao đại dương to lớn này lại có cái tên êm dịu là Thái Bình Dương? Năm 1519, dẫn đầu một đoàn thám hiểm bắt đầu hành trình khai phá xuyên Đại Tây Dương để tìm một tuyến đường phía Tây đến quần đảo Spice qua Nam Mỹ, phải kể đến công lao của nhà hàng hải người Bồ Đào Nha là Ferdinand Magellan. 

Sau khi đoàn thám hiểm vượt qua những vùng biển nguy hiểm, tháng 11/1520 họ đã đặt trên đến một đại dương xa lạ. Người thủ lĩnh Magellan đã quyết định đặt tên cho đại dương này là “pacific”, nghĩa là vùng biển thái bình vì ông cảm nhận được sự tĩnh lặng của những con sóng vào thời điểm lúc bấy giờ. Sau đó, họ quyết định dừng cuộc hành trình dài và trở về vì họ lầm tưởng rằng đã đến rất gần quần đảo Spice.  Nhưng không thể ngờ, điểm đến của họ vẫn cách xa mục tiêu hàng nghìn dặm và họ đã ở trên đại dương lớn nhất thế giới.

2. Đại Tây Dương

Đại Tây Dương được xác định là đại dương lớn thứ hai trên hành tinh với diện tích khoảng 106.000.000 km². Nó được bao quanh bởi châu  u và châu Phi ở phía Đông và châu Mỹ ở phía Tây.

Đại Tây Dương

Đại Tây Dương được biết đến nhiều như một đại dương thương mại từ thế kỷ XV, do có dấu ấn lịch sử đối với quá trình thuộc địa hóa và buôn bán gia vị. Đặc biệt, nước ở Nam Đại Tây Dương lưu thông ngược chiều kim đồng hồ, trong khi ở Bắc Đại Tây Dương lưu thông theo chiều kim đồng hồ. Hiện tượng này là do Hiệu ứng Coriolis.

3. Ấn Độ Dương

Ấn Độ Dương với diện tích khoảng 70.600.000 km² nên hiện đang an toàn giữ vị trí thứ 3 trong 5 đại dương. Vùng đại dương này được bao bọc bởi bờ biển phía đông của châu Phi tạo thành bờ biển Trung Đông và Ấn Độ ở phía bắc. Australia và Đông Nam Á ngăn cách Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. 

Ấn Độ Dương

Ngoài ra, khu vực này cũng chính là tuyến đường biển chính nối Trung Đông, Châu Phi và Đông Á với Châu  u và Châu Mỹ. Có tới 40% tổng sản lượng dầu ngoài khơi là từ Ấn Độ Dương. Ấn Độ Dương cũng tương đối ẩm so với các đại dương khác, điều này hạn chế sự phát triển của thực vật phù du.

4. Nam Đại Dương

Trước đó, thế giới chỉ công nhận có “Năm châu, bốn bể”. tức là có 4 đại dương, bao gồm: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

Mặc dù việc kiến nghị coi vùng nước băng giá quanh lục địa phía Nam như một đại dương độc lập đã xuất hiện từ gần 100 năm trước và từ lâu đã được các nhà khoa học biết đến nhưng chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chưa bao giờ nó được chính thức công nhận. Tuy nhiên, vào ngày 8/6/2021 - Ngày Đại dương Thế giới, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã chính thức công nhận Nam Đại Dương với vai trò là đại dương thứ 5 trên bản đồ của thế giới chỉ với độ bao phủ vỏn vẹn 6% bề mặt hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, nó vẫn vượt Bắc Băng Dương để vươn lên vị trí thứ 4 về diện tích (khoảng 20.000.000 km²).

Nam Đại Dương

Nam Đại Dương nằm ở vĩ tuyến 60 độ Nam, có vị trí bao quanh Nam Cực. Trong vùng nước của Nam Đại Dương có thể xuất hiện nguy hiểm bất ngờ, bởi trên bề mặt nước biển đôi lúc sẽ có băng trôi vào bất kỳ mùa nào trong năm. Từ tháng 5 đến tháng 10, khu vực này thường có gió lớn, khiến việc đi lại bằng tàu thuyền hết sức nguy hiểm. 

Còn về yếu tố nhiệt độ, nước biển của Nam Đại Dương dao động theo mùa từ -2 - 10 độ C. Điều thú vị là bờ biển Nam Cực cũng có một số khu vực không có băng, ngay cả trong mùa đông. Bên cạnh đó, Nam Cực là nơi dự trữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm các khoáng sản có giá trị và trữ lượng mỏ dầu khí khổng lồ.

5. Bắc Băng Dương

Theo quy ước thế giới, Bắc Băng Dương là đại dương bao quanh cực Bắc và có diện tích nhỏ nhất trong 5 đại dương vì chỉ chiếm 4% bề mặt Trái Đất, đạt khoảng 14 triệu km². Thế nhưng dù đứng ở vị trí là đại dương nhỏ nhất, nhưng diện tích của nó vẫn gấp 1,5 lần nước Mỹ và lớn hơn châu Âu.

Bắc Băng Dương

Bắc Băng Dương có độ sâu trung bình khoảng 1205m và có độ mặn thấp nhất trong các đại dương. Nhiệt độ trung bình ở đây dù vào bất kể mùa nào cũng duy trì trong khoảng -2 độ C. Tuy nhiên, tác động biến đổi khí hậu cũng trở thành áp lực khiến nước ở Bắc Băng Dương đang dần ấm dần lên, xuất hiện hiện tượng băng chảy vào mùa hè và ít đóng băng hơn vào mùa đông ngày càng rõ rệt.  Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu và đời sống động, thực vật nơi đây.

Ở đại dương nhỏ nhất thế giới này, có thể thấy băng tuyết là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái vùng cực nhưng không vì thế mà nơi đây trở nên cằn cỗi.  Khi băng tan, các chất dinh dưỡng và sinh vật được giải phóng vào nước đã tạo điều kiện cho tảo dưới băng phát triển. Những loài tảo này là nguồn thức ăn trọng yếu cho các loài sinh vật dưới biển, và cả động vật phù du. Bởi vậy nhiều loại cá được tìm thấy ở đây to hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. 

Như vậy bài viết trên đây đã giúp chúng ta tìm hiểu nhiều điều thú vị xoay quanh 5 đại dương của biển cả. Hy vọng với những thông tin hôm nay sẽ mang lại nhiều điều bổ ích về lĩnh vực này vào kho tàng kiến thức của bạn. Cảm ơn mọi người đã tin tưởng và đón đọc!

Bài viết nên đọc